Trang

Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Ngày thứ 31 tại India - Đi Pub

Ngày 29-9-2010
Tối qua có buổi đi chơi tối đầu tiên ở India. Vào trong 1 pub gần GIP. Quán khá vắng vẻ, chỉ có 1 nhóm khách nhỏ và khoảng 5 người phục vụ - toàn nam giới. Chỗ nào cũng chỉ thấy nam giới. Đến pub mà không có phụ nữ thì đúng là chả có hứng thú gì! Mấy người gọi mỗi người 1 ly beer ngồi nhấm nháp với lạc rang đầy dầu và có vị mặn mặn. Nhạc cổ điển – toàn những bài từ những năm 80. Có 1 tivi màn hình phẳng đặt ở một phía tường. Đèn xanh đỏ nhẹ nhàng và chậm rãi. Trần nhà lủng lẳng đủ thứ kể cả mấy cái ống thông hơi hay ống dẫn của air conditioner chạy lòng vòng trên đầu trông cực kỳ rối mắt. Toàn thể pub trông hơi buồn tẻ và kém hấp dẫn. Mấy người phục vụ ko trẻ, tầm hơn 30, 40 tuổi. Ngồi nói chuyện một lúc thì về, vì không thấy hứng thú với không gian, không khí của quán bar. Mình hỏi một người ở đấy là tại sao ko có promotion girl thì được trả lời là PG chỉ có ở Mumbai, Dehli không được phép có PG ở quán bar. Hic, không biết hàng chục ngàn người đổ về Delhi dịp Common Wealth Games sẽ làm gì vào buổi tối! Chả lẽ chỉ ngồi trong phòng xem tivi?! Hic hic…
Hôm nay biết thêm về một số tip khi bấm huyệt: Chỉ được bấm huyệt khi ngồi hoặc nằm. Có một số huyệt chỉ dành cho phụ nữ và một số huyệt chỉ dành cho nam giới. Khi massage thì người thực hiện phải khỏe mạnh và thoải mái, nếu không, người được bấm huyệt có thể bị ảnh hưởng bởi sức khỏe của người bấm huyệt. Oh, really interesting!
Sau bữa tối cả nhóm ngồi tụ tập trong phòng Francis với một ít hoa quả. Vừa nhấm nháp vừa nói chuyện linh tinh. Túm lại là tất cả các bạn đều rất thân thiện và tốt bụng. Mình sẽ nhớ mọi người và thời gian ở đây. Sau đó mấy người về phòng, còn Mashayo – Francis và mình vừa ngồi xem phim trên HBO vừa nói chuyện linh tinh. Mashayo và mấy bạn khác từ Kenya, Malawi và đặc biệt là Chingosho (Zimbabwe) có kiểu phát âm cực kỳ khó nghe. Đầu câu thì cao giọng, cuối câu thì chỉ còn trong họng, thế nên ít khi hiểu được cả câu nếu các bạn ngồi ở xa. Muốn nghe rõ thì phải ngồi ngay cạnh và thỉnh thoảng phải yêu cầu nói speake lowdly!
Nhận được vài email rất cảm động của thầy Kumar từ học viện KIET và thầy Deepak từ học viện Jaipuria, cả thầy HP Singh giảng môn Export – Import. Nhân thể giới thiệu luôn với các thầy về VN đất nước – con người qua một số trang web tin tức về VN bằng tiếng Anh.

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Ngày thứ 30 tại India

Ngày 28-9-2010
Sáng nay có buổi học thú vị về Leadership and Teambuilding với madam Madhu. Bài giảng của Madam Madhu lúc nào cũng thú vị và lôi cuốn – Có thể nói madam là giảng viên hấp dẫn nhất ở đây. Cô kể về chuyện học lái xe của mình: Khi cô đề nghị chồng dạy mình lái xe, chồng cô trợn mắt hỏi lại là em muốn học lái xe làm gì! 20 ngày sau cô không những tự học lái xe mà còn tự mua cho mình 1 cái oto! Cực kỳ độc lập và cá tính! Mình thích style của cô ấy!
Madam Madhu
 Chiều nay có buổi học về DBS trong HRM – một bà giáo bán chuyên nghiệp làm cho 1 NGO giảng. Cô cầm giấy đọc từ đầu đến cuối, một số đoạn ko nhìn rõ thì lấy kính lúp ra soi rồi lại đọc tiếp. từ đầu đến cuối là 1 giọng đều đều ru ngủ, chả hiểu nội dung cô muốn truyền tải như thế nào.
Sau buổi gặp với thầy Raj và Mr. Gupta – admin, về một số yêu cầu, comment. 2 người nói sẽ check các điều kiện ở nhà ăn, phòng ở và phòng computer lab. Các bạn yêu cầu rửa bát sạch hơn, có café, cọ toilet… Chả biết có cải thiện chút nào ko? Chứ cái kiểu quét nhà một nhát hết nửa căn phòng, rác có bị dồn vào góc tường, chân bàn thì cứ nằm đấy nhé. Hành lang thì bẩn bựa lại, mấy hôm nay mình toàn phải mượn chổi để tự quét hành lang. Còn cầu thang thì họ chả bao h quét thì phải.
Gặp thầy HP Singh ở nhà ăn, nhân lúc mang máy tính, bảo thầy là em sẽ show cho thầy ảnh của gia đình em. Thầy xem ảnh của 2 bạn Ỉn, Ộp nhưng vẫn nhất định ko tin đó là con mình. Thầy nhất định nói mình còn single làm cho mấy bạn cười ầm. Thầy mời vào phòng thầy, có bánh ngọt và nhân thể nói chuyện về tình hình ở VN mình show cho thầy bài presentation của mình. Thầy, cũng lại giống như rất nhiều người ở đây, vẫn nghĩ VN còn hoang sơ, kém phát triển lắm! Sau khi show một số hình ảnh về đô thị VN thì thầy nói có lẽ chúng tôi ko có đủ thông tin về VN hiện tại nên ko hiểu đất nước bạn ở mức độ phát triển ntn. Có lẽ mình cần tiếp thị hơn nữa hình ảnh về đất nước mình. Thầy Singh cũng như thầy Deepak đều tỏ ra rất hứng thú khi hỏi về Vietnamese, tại sao trải qua nhiều bitter hurt của chiến tranh thế mà tao gặp người VN nào cũng thấy rất joyfull và smilling! (Thầy Singh nói rằng thầy mới gặp có 3 người phụ nữ VN và đều thấy họ rất cheerfull, why? Hic, giải thích một hồi rồi kết luận đó có lẽ là national characteristic và chính vì thế mà người VN có thể chiến thắng người TQ, Pháp, Mỹ! Sau đó thầy còn hỏi liệu em có thể copy các ảnh gia đình em vào USB cho thầy được ko? Why not? Có lẽ thầy muốn tìm hiểu thêm về văn hóa và con người VN. Thầy còn gỡ con rối gắn ở USB của thầy cho mình, nói là small gift for babe. Thanks sir.
Tình trạng sức khỏe của mọi người ở trong lớp có vẻ rất tệ. Hôm nay có 3 người phải nghỉ vì ốm, 1 người phải đi viện ktra sức khỏe. Mình nghĩ 1 trong những lý do đó là tình trạng dinh dưỡng nghèo nàn. Sữa buổi sáng thì phải gọi là milky water mới đúng, chả có mùi vị sữa gì hết, uống như nước lã, chỉ có màu trắng của tí sữa pha vào. Sữa ở 2 bữa teabreak có đặc hơn 1 chút, có lẽ vì 2 bữa teabreak phục vụ cả cho các thầy cô trong học viện nên họ ko dám pha quá nhiều nước vào đó. Bữa sáng của mình bây h chỉ còn 1 cốc sữa, 1 tách cornflake nhỏ, thỉnh thoảng có thêm 1 lát bánh mì sandwich tệ hại với cheese, That’s all. Nếu biết tình trạng ăn uống chỉ có mỗi thịt gà thế này chắc mình đã mang cân ruốc đi để cứu đói và chống suy dinh dưỡng.

Ngày thứ 29 tại India

Ngày 27-9-2010
Gặp thầy HP Singh dạy môn Export – Import ở nhà ăn. Nói chuyện với thầy và các bạn, khi mình khoe là mình married and have 2 babies thì thầy trợn mắt không tin. Thầy nói you look very happy and no reason that one married women can be happy like you! Oh my God, chắc lý do đó chỉ phù hợp với phụ nữ Ấn thôi thầy ạ. Phụ nữ VN sau kết hôn và sinh con thường xinh tươi hơn nếu single đây ạ. Thầy vẫn ko tin dù các bạn đều nói là that’s right. Thầy bảo mày có passport ở đó ko? Mình đưa cho thầy xem cái bản copy, thầy bảo nhưng ở đây cũng chẳng show là mày đã married gì cả. Có lẽ Passport của người Ấn có cả tình trạng hôn nhân và số con trong đó? Mình nói rất tiếc là máy tính hết điện nên ko thể mở cho thầy xem ảnh của bọn trẻ con nhà em. Goodness lại nói thêm là đúng là nó married và có 2 con thật đấy, nó show ảnh của trẻ con nhà nó suốt, they’re lovely! Vẫn ko tin. Hic hic… Sẽ show ảnh của bạn Ỉn, bạn Ộp cho thầy xem vào dịp khác vậy. chắc còn gặp thầy nhiều lần vì thầy cũng hay ở trong học viện.
Buổi chiều học môn Marketing, thầy Deepak dạy rất nhiệt tình và lôi cuốn. Chỉ có mỗi một điều mình thấy thắc mắc là thầy là chuyên gia về môn Marketing mà thầy ăn mặc buồn cười quá. Quần kaki, áo kẻ sọc, cà vạt hoa hòe hoa sói thắt cẩu thả, 2 tay xỏ 4 cái nhẫn to uỵch, 1 tay đeo đồng hồ vàng chóe, tay còn lại đeo một mớ vòng màu da cam cực kỳ nổi bật trên nền tay áo màu xanh! Nhưng bù lại thì thầy dạy rất hay và rất quan tâm đến điều kiện ăn ở của các bạn. Trong lúc teabreak, thầy hỏi là chúng mày thấy thức ăn Ấn Độ thế nào? Mình nói là cũng ổn nếu như còn thứ thịt gì khác ngoài thịt gà! Thầy hỏi tại sao? Chị Lusiwe bảo là chúng tao chỉ có thịt gà và tất cả chúng tao đang get weak, get ill! Mình bảo em giảm 2kg trong 4 tuần ở đây rồi! Thầy nói là tôi sẽ có ý kiến với bên hậu cần cho các em. Thật là chu đáo!
Cuối buổi học, gặp thầy ngoài hành lang và nói cảm ơn về bài giảng rất thú vị. Thầy đứng lại nói chuyện và hỏi về VN. Thầy nói hình như nó vẫn là nước kém phát triển? (under-developed) Mình nói Vn là nước đang phát triển và rất active cũng như open. Thầy hỏi về sự ảnh hưởng của Trung Quốc… Mình bảo em có bài presentation về VN, nếu thầy muốn xem thì em sẽ show cho thầy. OK, thế là lại quay lại phòng học và mở bài Presentation của mình cho thầy xem. Mashayo đến hỏi thầy về tờ India Times và tỏ ý muốn xuất bản 1 tờ báo mà giá có thể rẻ như tờ India Times ở Tanzania (Tờ India Times dày khoảng 40 trang kể cả quảng cáo nhưng giá có 3 rs – 1,4K VNĐ – Chả có tờ báo nào ở VN có giá rẻ như thế cả!). Thầy nói về sự tái chế, về số lượng và quảng cáo. Đúng thật, họ quảng cáo ngay ở trang 1 và phụ lục quảng cáo rất dày ở bên trong. Nhưng nguồn thông tin thì cực kỳ cập nhật và hấp dẫn. Nếu mình là dân báo chăc mình cũng chỉ mong có 1 tờ báo như thế.
Ăn tối xong lên phòng ngồi nhưng buồn khủng khiếp, có một số chuyện khiến mình cảm thấy lo lắng và unsafe. gọi cho Joseph ko nghe máy, nhắn tin ko thấy trả lời. Buồn phát khóc. Nhìn đồng hồ là 9.30PM tức là 11 PM ở VN – gọi về nhà sẽ làm mọi người thức giấc nên mấy lần định bấm số ở nhà nhưng lại off đi. Cuối cùng bấm máy gọi cho Mr. Phúc, may mắn còn có người nói chuyện bằng tiếng Việt ở đây. Nói chuyện lung tung về đủ thứ, gđ, công việc, mua sắm ở Delhi, về lớp học, về bạn học… hết 40phut! Lúc đó mới thấy Joseph gõ cửa, ngồi nói chuyện với Joseph một lúc – Joseph luôn là người dễ chịu và thấu hiểu. Cậu từng ở Arab, ở Kenya, ở một số nước khác nhau mặc dù là người Sudan. Sau một hồi kể lể, một hồi an ủi và trấn tĩnh của Joseph thấy đỡ hơn rất nhiều. I’ll try to be relax and sleep, maybe I’ll feel better tomorrow! Thanks my best friend!

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Ngày thứ 28 tại India

Ngày 26-9-2010
Suốt ngày hôm qua đi đến Humayun’s Tomb và Qutb Minar – 2 địa điểm nổi tiếng ở Delhi. Có một đặc điểm chung là các điểm di tích, thắng cảnh ở đây rất “hoành tráng” và cầu kỳ, tinh xảo chứ không nhỏ xíu, à uôm như các di tích ở VN. Điều đó chứng tỏ là làm lượng chất xám để tạo ra các công trình đó, dù là từ rất xa xưa hay mới xây dựng đều rất cao (Chỉ có 1 cái thấp lè tè so với tiêu chuẩn chung của thế giới – là tiêu chuẩn vệ sinh quá thấp!).
Sáng nay có 3 nhà sách mang một số sách đến trưng bày tại sảnh uống trà để cho lớp mình tiện mua. Quả là sự sáng tạo độc đáo của thầy Singh! Thế là chả phải đi đâu tìm, các nhà sách mang sẵn đến tận nơi cho chọn, viết hóa đơn luôn cho. Mai chỉ việc mang hóa đơn cho phòng kế toán làm thủ tục thanh toán. Mua 2 quyển hết gần 1000 rs, vừa đủ tiêu chuẩn. Tối gặp Ruhullah, cậu ấy bảo tao ra ngoài mua rẻ bằng ½ so với giá họ mang đến đây! Thôi, lại dính trò coruption rồi! Nhưng biết làm thế nào được? Nếu ko mua ở đây, mang hóa đơn nơi khác về có khi bị khó dễ lúc thanh toán!
Ngồi ở phòng Internet đến 12h thì về rủ Mashayo và Francis vào Delhi chơi nhưng chỉ có Francis muốn đi. Thế là 2 chị em đi. Ra đường vẫy xe tuckshaw nhưng lại có 1 xe oto dừng lại cho đi nhờ đến gần bến Metro – thật tử tế. Hóa ra đó là 1 anh làm cho hãng Idea – một hãng khá nổi tiếng ở India. Anh vừa đi vừa nói chuyện và hướng dẫn đường đến bến metro. Thật cảm động! Hôm qua ở Qutb Minar cũng vậy, nhờ 1 thanh niên chụp hộ ảnh, lúc cảm ơn, cậu nói là: you come to my country and it’s my responsibility! Rất nice và hiểu cách tiếp thị hình ảnh đất nước! Francis nói là tao sẽ còn trở lại India some day in future! Oh, me too.
Sau khi anh Idea thả xuống ở chỗ main road thì bắt tuckshaw ra metro, đi mất một lúc. Hóa ra ở ngay dưới chân Metro có 1 khu chợ cực kỳ thú vị. Lượn một vòng thấy hàng hóa rất hấp dẫn và giá rất dễ chịu chứ không như ở trong các mall lớn. Trong nửa tiếng lượn qua 2 tiệm giày có treo biển giảm giá. Tiệm thứ nhất thấy dãy giày cao gót treo biển giảm giá 50% - that’s good! Dãy này thậm chí chả có khách hàng nào xem, trong khi các dãy dép xỏ ngón thì rất đông khách. Một sir tầm gần 50 tuổi giúp mình thử giày, cực kỳ dễ chịu và sẵn sàng gọi mấy cậu sai vặt tìm hết đôi nọ đến đôi kia cho mình thử. Tất thảy khoảng gần 2 chục đôi! Chọn được 2 đôi ưng ý nhưng có 1 đôi chỉ còn màu đỏ mặc dù kiểu dáng rất đẹp. Mình yêu cầu discount thêm thì sẽ lấy cả 2 đôi nhưng sir không đồng ý nên cuối cùng lưỡng lự mãi đành tạm biệt đôi màu đỏ để mua đôi màu nâu. Thanh toán bằng thẻ Visa rất nhanh và chuyên nghiệp.
Ra ngoài đi thêm mấy bước lại gặp tiếp 1 tiệm giày treo biển giảm giá hấp dẫn, hối Francis vào just have a look! Nhưng hoa mắt trước các biển Buy 1 get 1 free nên kết quả của “a look” là 2 đôi giày nữa! Oh my god, đôi nào cũng đẹp – chỉ tội gót to uỵch nên chọn đôi free mãi mới xong sau khi thử khoảng 15 đôi khác nhau. Thái độ bán hàng của người Ấn hơn dân Hà Nội một trời một vực. Mình mà vào 1 hiệu giày nào đó ở HN thử 20 đôi giày chỉ để mua 1 đôi hàng giảm giá với 1 người phục vụ từ đầu đến cuối chắc nó hắt nước đổ đi!
Thỏa mãn với 3 đôi giày long lanh, lướt qua một số tiệm may, tiệm trang sức và hầm bà lằng khác thì cảm thấy đói và đi tìm tiệm Pizza nhưng chỉ thấy Macdonald! Vào thấy mấy hàng dài xếp hàng đợi phục vụ nên đành bỏ - 2 chị em vào bến Metro mua bánh và Coke! Cái cậu bán hàng cứ dùng tay không bốc bánh cho khách, chả có găng, chả có kẹp gì hết – tất cả dùng tay không! Thêm 1 ví dụ về tiêu chuẩn vệ sinh của Ấn Độ.
Vé đi từ Noida vào Delhi là 19 rs (khoảng 8kVND) - quá rẻ, 5 phút/chuyến, ko tắc đường, không bụi! ở ga Metro không được phép quay phim chụp ảnh và tất nhiên là phải qua security check trước khi lên tàu. Chờ một tẹo thì tàu đến, khách rất đông nên chỉ có thể đứng. Suốt dọc đường vào Trung tâm Delhi có rất nhiều ga, tàu có vẻ rất đúng giờ và chạy rất êm. Đoạn ở ngoài thì tàu chạy trên đường ray trên cao, vào đến trung tâm thì chạy dưới mặt đất. Nhà ga trung tâm ở ngay Connaught Place. Khách nườm nượp như chảy hội.
Leo lên mặt đất thì gặp ngay lối vào Palika Pazza – một khu mua sắm nổi tiếng nằm dưới mặt đất – bên trên là 1 khu vườn. Chui vào bên trong thấy thực sự thú vị - rất rất nhiều hàng hóa và rất nhiều khách – cả 2 chủ yếu là nam giới, rất ít phụ nữ! Người bán hàng bám đu khách rất dai. Mỗi cửa hàng có khoảng 3-4 người bán – toàn nam giới, từ già đến trẻ. Giá treo là Fixed price nhưng nói chung bạn có thể mặc cả thoải mái. Ghé vào một cửa hàng bán túi xách vali, hỏi có đổi được money không thì cậu bán hàng lôi vào bên trong và bảo đổi được. Đưa tiền cho cậu, ông già ngồi trong cùng – như là thu ngân- nói chờ 1 phút sẽ có ngay. Trong lúc đó ông giới thiệu một loạt các loại túi, mình chả ưng cái nào – phần vì không quá hấp dẫn, phần vì hết tiền rs, chỉ còn USD, và cửa hàng dưới này lại không chấp nhận thanh toán VISA. Vài phút sau cậu chạy về bảo tỉ giá hôm nay chỉ là 42, mình bảo không, tỉ giá 46 nhưng nếu 45 thì có thể ok. Cậu thanh minh nào là tỉ giá hôm nay rớt, ngân hàng thay đổi… Cậu lại bảo chờ 1 phút, chạy đi đâu đó. Nhân tiện có khách đang xem 1 cái vali màu xanh nhạt khá chắc chắn, mình hỏi (chỉ để giết time chứ ko định mua) – cậu bán hàng nói là 3 ngàn. Vài phút sau thì người khách kia đi, cậu đẩy cái vali lại phía mình và hỏi, mam, how much can you pay? Mình bảo tao ko muốn mua. Cậu bảo mày cứ nói giá đi. Mình phán bừa: 1000. Cậu ok luôn! Choáng! Lúc đó mình nhận ra rằng mình có thể bị hớ nên nói là tao không mua đâu, tao ko có đủ rs. Lúc đó ông già nói là mua, mua đi, tao có thể đổi USD cho mày giá 45! Mình bảo không, tao ko muốn đổi nữa. Cãi nhau om tỏi một hồi mới thoát ra khỏi cửa hàng được! Kinh nghiệm nhớ đời!
Lượn lòng vòng mãi mới hết, thấy rằng hàng hóa rất phong phú, nhưng chủ yếu là quần áo, đồ nữ trang và đồ điện tử. Leo lên, đi một vòng quanh Connaught place – nổi bật là các tòa nhà màu trắng 2 tầng xây hình vòng tròn khá đẹp. Nhưng đối lập với vẻ long lanh đó là vỉa hè và đường phố đang dở dang xây dựng rất lộn xộn và bẩn thỉu y như HN lật vỉa hè vậy.
Lại chui xuống Metro, mua vé trở về Noida. Xếp hàng mất chừng 10 phút mới có thể lên được tàu vì quá đông. Đi từ trung tâm Delhi về trung tâm Noida mất 30 phút!
Buổi tối ăn cơm xong thì một nhóm lên phòng Susiku thăm anh chàng vừa ra viện. Ngồi nói chuyện một hồi thì Goodness nói cần phải cầu nguyện cho Susiku. Thế là Goodness, Lusiwe, Mineali và Francis cùng hát bài cầu nguyện kiểu của thổ dân Châu Phi. Susiku nằm trên giường, 4 người đứng và quỳ xung quanh, hát một hồi thì cùng đưa tay chạm vào người Susiku và đọc những câu thần chú như hát Rap. Mỗi người đọc một kiểu thì phải, nhưng ko ai giống ai và không ai vướng giọng của ai! Màn cầu nguyện kéo dài gần 10 phút. Mai phải hỏi lại xem nó có ý nghĩa gì và tại sao Nam Phi, Tanzania, Congo cùng biết cái màn này.
Sau đó Khin chuẩn bị đồ ăn lấy từ nhà ăn cho Susiku, 3 chị kia về phòng, mình dọn dẹp và lau chùi khắp các bàn trong phòng. Ném ra ngoài cả đống báo cũ. Về phòng lấy cọ và nước toilet đem xuống kỳ cọ bathroom cho susiku.
Sau đó Sake mượn dụng cụ của mình và mang về phòng tự cọ lấy. Trong lúc chờ hóa chất ngấm thì Sake lôi đồ mua cho vợ con ra khoe. Đúng là người chồng chu đáo – mua cho vợ 2 bộ quần áo, 3 đôi dép xỏ ngón; mua cho con một mớ đồ chơi. Hic hic… chồng mình chưa bao h mua gì cho con khi đi công tác cả!
Kết thúc một chủ nhật thật thú vị và đáng nhớ. Lần sau mình có thể tự đi Metro vào trung tâm rồi. Thanks mon ami, Francis!

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Ngày thứ 26 tại India

Ngày 24-9-2010
Cuối tuần mạng chết đứ đừ, suốt từ chiều đã không vào được mạng. Thế là không thể gọi skype về nhà, cũng chả check được email. Mình đang chờ mấy cái reply từ Madam Madhu và thầy Kumar Yoga. Chả làm gì được nếu ko connect được internet!
Hơn tuần nay Mr. Kumar không đến, vì nhà thầy bị ngập nước rất khó đi lại. Báo India Times và Delhi Times vẫn đưa tin về mức nước lớn nhất trong 34 năm trở lại đây của song Yamuna, rất nhiều khu dân cư bị ảnh hưởng bởi nước lũ, giống như năm 1996 ở Sông Hồng vậy – dân ngoài đê ngập đến tận nóc nhà, muốn vào tầng 2 thì phải bơi xuồng vào. Tuy Kumar không đến nhưng sáng nào mình cũng tập, thế là làm teacher thay thầy Kumar luôn. Các bạn thì chỉ lác đác dăm bảy người tập thường xuyên, còn lại thì buổi đực buổi cái, nói chung mọi người thích ngủ nướng hơn là tập Yoga! Sáng nay thì chỉ còn mỗi Sakaria và Big Khan. 3 anh em tập gần 1 tiếng nhưng đến màn cười lớn thì khó tạo không khí nên không cười được to như mọi lần.
Yoga tạo cho người ta cảm giác tất cả mọi cơ trên người được vận động, được luyện tập. Sau khi tập một cách tập trung, cảm giác rất relax. Còn bài Menditation nữa, rất thú vị, và giúp tăng khả năng kiểm soát stress, positive thinking… rất nhiều.
Tuần trước thầy Singh thong báo Living Allowance được tăng từ 10K lên 25K rs/tháng nhưng cũng chỉ được lĩnh thêm 2.500 rs tiền ăn cuối tuần, trong khi phải ký vào cái giấy là 5.000 rs. Đúng là trò làm tiền lộ liễu, nhưng chả làm gì được. Trong khi đó suất ăn hàng ngày vẫn chả thay đổi gì, lúc nào cũng chỉ có thịt gà, dưa chuột chẻ, cà chua, hành tây sống. Cứ nhìn thấy bọn babe chicken ngoài chợ slum lại sợ món thịt gà trong nhà ăn luôn! EDI còn có thịt dê, thịt cừu mà ăn, còn ở đây chả bao h biết mấy món thịt đó ntn. Hic hic… but I don’t know how the life would be without ITEC!
Hôm nay đi dự một buổi Career Counselling của trường IGNOU ngay gần Niesbud. Buổi tư vấn này có 2 Madam nói cực hay, điều đặc biệt là cả 2 người đều khá mảnh dẻ chứ không to béo ục ịch như phần lớn phụ nữ ở đây. Từ cổng vào đã có hoa cúc vàng chăng thành dây, lối vào sảnh được trải cánh hoa cúc dọc lối đi. Các nhân viên phục vụ rất đông và ăn vận đồng phục rất đẹp. Chỉ thấy ngạc nhiên là có cô nhân viên mặc bộ đồng phục jupe và áo vest màu sẫm nhưng đánh 2 quả mắt màu xanh lè, trông như trẻ con chơi trò tô màu vậy. Phần cuối bài presentation của 2 madam có khuyến mại một câu chuyện nhỏ về con Ếch bị điếc nên đã bỏ qua tất cả các lời dèm pha của mọi người xung quanh để nhảy về đích trên ngọn núi cao. Nói chung là họ làm khá chuyên nghiệp, kỹ năng nói rất hay, trình bày slide rất hấp dẫn. Hơn 12 h thì được mời dùng teabreak gồm rất nhiều loại rau củ tẩm bột rán. Những món này dường như rất phổ biến ở đây vì hôm trước đến KIET cũng được đãi món rau củ quả tẩm bột chiên giòn – khoai tây, cà chua, súp lơ, rau bina, và cả ớt loại quả dài và to nữa! Trà sữa là món truyền thống nữa, lúc nào cũng trà sữa, từ sáng đến chiều tối.
Lúc về gặp thầy H.P. Singh, thầy khen Smart dress – Thanks sir, I’m trying my best to be smarter! Lúc đó thì cậu bảo vệ lái xe của thầy ra, thầy bảo em có muốn về trường cùng tôi ko? OK, why not? Thêm cả Big Khan và Little Khan lên xe và đi về trường trong khi mọi người đang lục tục leo lên Bus. Xe của Pro. mà bẩn như cái chuồng lợn, dưới chân thấy một tập báo cũ, trên ghế có cả 1 cái khăn mặt cáu bẩn, trong xe thì bụi bặm hôi hám. Thầy bảo nhà thầy cách trường 20km nhưng mất 40 – 60 phút lái xe. Thầy theo đạo Sikh nên luôn quấn cái khăn trên đầu, râu ria thì rậm rạp, nét rất đẹp nhưng cái khăn và bộ râu rậm làm người ta khó nhận ra nét mặt nếu nhìn từ xa. Qua buổi học của thầy mới biết đạo Sikh có mấy điều rất thú vị. Đó là người theo đạo Sikh có 5 điều phải tuân theo: 1. Không cắt tóc, râu từ lúc bé đến lúc chết; 2. Luôn dùng lược nhỏ. 3. Mang theo dao găm nhỏ. 4. Đeo vòng kim loại ở tay; 5. Under garment. Rất thú vị. Cũng như một số tôn giáo ở Ấn, người Sikh không thích con cái lấy vợ, chồng là người khác tôn giáo. Và người Hindu thì không được phép li dị.
Hôm qua được lướt qua về Cross cultural issues với 2 vị từ trung tâm nghiên cứu khác đến thăm lớp trong vòng 1,5 tiếng. Một buổi gặp gỡ thú vị và đáng nhớ.
Buổi trưa chỉ kịp ăn xong lại leo lên xe vào New Delhi, CBSE – Central Board of Secondary Education - Shiksha sada. Một cơ quan rất quan trọng về giáo dục và dạy nghề ở Delhi. Qua bài Presentation của mấy vị ở đây được biết thêm vài điều thú vị về Ấn Độ: Có hơn 300 triệu người thất nghiệp và 93% số người làm việc cho trong unorganized sector.
Lúc đến nơi là gần 3h, lúc về là 4h, trong 1 tiếng đoàn được tiếp 3 món nước (nước trắng, Coke, trà sữa) và mỗi người 1 đĩa biscuit! Vừa ra khỏi phòng meeting thì cả lũ cuống cuồng đi tìm toilet, đến khổ! Toilet vừa bẩn vừa không có giấy vệ sinh. Chả hiểu cái dân Ấn Độ họ thế nào nữa. Đúng là mấy nước dọa không gửi VĐV đến tham dự Common Wealth Games vì điều kiện ăn ở quá tệ là chả có gì ngạc nhiên. Đã thế 1 ông trong BTC CWG lại còn lên báo nói là they (westerner) have different standard of hygene! Ảnh chụp khu CWG Village thì thật không thể nào chịu nổi, rác rưởi ở mọi nơi, kể cả trên giường ngủ! Toilet thì bẩn không thể tả nổi – đến dân sống ở Vùng núi của VN còn sạch hơn là ở giữa trung tâm thủ đô như thế này.
Buổi chiều 22/9 được đi thăm học viện KIET ở bang Uttar Prades – một khu ở cách Delhi chừng 60-70km, cực kỳ rộng rãi và khá hiện đại. Vào thăm khu vườn ươm doanh nghiệp của viện mới thấy họ tạo điều kiện cho các tài năng ntn. Khu nội trú của sinh viên rất rộng, khu cho Nam sinh cách biệt với khu nữ sinh. Mỗi phòng chỉ có 2 người và có cả dịch vụ giặt là, canteen, VPP ở dưới tầng 1 luôn. Mình hỏi cô bạn được thầy Kumar nhờ dẫn mình đi thăm về học phí thì được biết là 40.000rs/năm – tính ra không đắt vì đó là bao gồm cả học phí lẫn ăn ở tại KTX. Quanh học viện này có khá nhiều các trường khác nhưng quy mô có vẻ nhỏ hơn. Có một điều dễ nhận thấy ở các doanh nghiệp được hỗ trợ ươm mầm ở đây là học có khả năng trình bày và communicate rất chuyên nghiệp và tự tin – một điều hiếm hoi ở VN. (và có 1 đặc điểm chung là các chàng trai và các cô gái đều rất đẹp – chết mất, mê vẻ đẹp Ấn Độ quá rồi!)

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Ngày thứ 17 tại India

Ngày 15-9-2010
Love yourself is most important.
Buổi học được thầy Raj cho kết thúc lúc 4PM, mọi người dùng teabreak xong thì về phòng để chuẩn bị cho bữa tiệc của chương trình ITEC tổ chức tại khách sạn ITC Maurya – một khách sạn 5 sao rất lớn ở trung tâm New Delhi. Rất may là Madam Fatima mang theo bàn là nên mang áo dài sang phòng chị để ủi nhờ cho phẳng, suốt từ hôm đầu tiên toàn phải gấp để đó. Trong khi Kripa, Tatiana, Fatima, Nayomi lắng xắng tô, quẹt, bôi, trát thì mình chỉ bôi một chút son và thay áo dài. Tổng cộng mất 5 phút. Mang thêm cái xắc nhỏ mới mua hôm đi chợ lần trước. I’m ready! Đi xuống tầng 3 xin một chút gel để giữ nếp tóc nữa thế là xong. Gặp Mashayo ở hành lang tầng 3, cậu bảo: Proper dress, I’ll be close with you in the party. OK, no problem. Trước khi lên xe bus cả lớp tranh thủ chụp ảnh, các nhân viên của Viện và các học viên của lớp khác dồn hết sự chú ý vào cả nhóm vì national dress. Các bạn trai hầu hết đều mặc complet rất nghiêm chỉnh. Mình còn tranh thủ thắt lại cavat cho Vuthy, Acharia, Mashayo. Tất cả các quý ông đều lịnh lãm và đáng yêu. Các bạn cứ sờ vào áo dài của mình và khen là so soft, so charming. Madam Fatima nói tao sẽ may cái áo như của mày khi tao về nhà, vì tao có máy khâu. OK, mem, but I’m not sure you can wear it! He he…
Cũng như vào các building khác, bạn phải qua security check trước khi vào khách sạn bao gồm: Luggage scan, security gate, body scan với 2 cậu guards mặc rất đẹp, luôn cầm cái máy dò kim loại trên tay. Vào bên trong hall thấy sự sang trọng toát lên trên từng chi tiết. Rất nhiều hoa phong lan được gắn khéo léo trên cả 1 bức bình phong. Các nhân viên ở front office đều xinh tươi như hoa. Vào phòng tiệc thấy chật cứng là người, đủ màu da, đủ sắc tộc. Nhân viên phục vụ rất đông, đi lại với những khay đầy bia, rượu vang và nước hoa quả. Nhấc 1 cốc nước dưa hấu thì thấy quái lạ, mặn chát. Hóa ra dân Ấn hay dùng nước hoa quả với muối chứ ko phải với đường và sữa như dân Việt. Sau bài phát biểu của vị đại diện Bộ Ngoại giao Ấn Độ thì màn trình diễn của các trường bắt đầu. Thầy Raj dẫn 1 cô bé VN đến giới thiệu với mình – Em Hiên, cũng học HRD nhưng khóa 1 năm và ở trường khác. Thầy Raj thật hợp với những bữa tiệc như thế này – luôn cười nói và làm quen, rồi dẫn những người có thể quen nhau đên giới thiệu, rồi lại đi tìm người khác. Thầy cũng uống rất nhiều, nhưng là nước hoa quả chứ không phải rượu vang hay bia như các bạn Châu Phi khác. Màn múa của Tatiana rất tuyệt, chả thế mà cô vui quá mức đến nỗi cả đêm mất ngủ. Bài hát Unite của nhóm có vẻ trầm và không được hấp dẫn lắm vì các tiếng vỗ tay không nhiều như màn biểu diễn của các bạn Châu Phi ở trường khác. OK, như thế cũng rất vui rồi.
Sau đó mình còn gặp thêm anh Phú và 3 cô gái VN khác cũng sang đây học nhưng các cô sắp về nước. Chỉ kịp chụp ảnh và cho số mobile cho anh Phú.
Gặp 2 cô bạn Sri Lanka đã quen từ buổi tổng duyệt hôm trước, thật vui vẻ, các bạn rất xinh đẹp và than thiện. Hug and share email. We’ll add you at facebook, ok. Gặp một bạn châu Phi cùng lớp với Phú và Hiên, bạn ấy nói tao sẽ sang VN, tao thích các cô gái VN lắm. Giới thiệu mấy bạn VN với Mashayo, cậu cũng lại nói tao sẽ sang VN để lấy vợ, you’re all so beautiful! Cậu này vẫn luôn miệng nói như thế. Mashayo còn hỏi mày có em gái ko? Không. Thế thì tao sẽ đợi con gái mày lớn vậy! Ho ho.. Mashayo ơi là Mashayo! Mày có đợi được 30 năm nữa ko? Lúc đó mày thành ông già rồi, con gái tao không thích mày đâu. Cười vỡ bụng…
Đồ ăn buffet của Ấn Độ cũng rất ít thịt, chủ yếu là đồ chay và rất nhiều món nước, như cháo hoặc súp ở VN – ăn buffet rất bất tiện. Có món chapatti là ngon tuyệt. Nhân viên phục vụ lúc nào cũng có một âu Chapatti và cái kẹp trên tay đi vòng quanh các vị khách và sẵn sang tiếp thêm bánh nếu khách yêu cầu. Sau bữa tiệc mình thấy kiểu buffet của VN vẫn hợp lý hơn, nhiều đồ khô hoặc xiên để khách dễ chọn, dễ ăn, không lem nhem tay và quần áo nếu chẳng may rớt ra ngoài, cũng tiện ăn khi đứng hoặc đi lại.
Tiệc tan nhưng mãi mà mọi người không muốn về, thầy Raj phải đi giục từng người. Lúc đợi xe thì lại thấy thiếu vài người, lúc nào cũng là Madam Fatima, nhiều người nhún vai lắc đầu khi nhắc đến Madam này. She always makes troubles for us – đó là do một số người khác nói. Nhiều khi cũng khó chịu với cái kiểu coi mình là số 1 của madam này, lần nào đi ra ngoài cũng bắt mọi người phải chờ, chờ từ lúc khởi hành cho đến lúc đi về.
Xe đi được một đoạn thì Tatiana lại nhớ ra là để quên máy laptop ở khách sạn, xe lại chạy lòng vòng một lúc để quay lại KS. Mấy người vào khách sạn để tìm nhưng mất gần tiếng đồng hồ mà không được. Lên xe là lúc hơn 11PM, về đến Campus lúc 12PM. Mệt đến nỗi vào đến phòng chỉ kịp thay đồ ngủ rồi lên giường ngủ lịm như chết. Chưa bao giờ mỏi nhừ người như thế, có lẽ là do phải đi, đứng trên giày cao gót suốt 4 tiếng đồng hồ, lại thêm thời gian chờ đợi trên xe bus nên chưa bao h thấy mệt như vậy.
Ảnh có tại đây: http://www.facebook.com/album.php?aid=34990&id=100000091215170&l=61384c76cd

Ngày thứ 16 tại India

Ngày 14-9-2010
Hôm nay là ngày thứ 15 xa nhà. Cảm giác nhớ nhà nhiều, nhưng cảm giác tự do khá thú vị. Gap months!
Ở Campus có 5 cậu phục vụ còn khá trẻ, hỏi ra thì toàn 18, 20, 21. Cậu 21 tuổi gọi mình là Big Sister vì cậu nói chị nhiều tuổi hơn em nhiều. Cậu này gầy nhom – thực ra thì cũng giống các cậu phục vụ khác, vừa gầy vừa đen. Thế là mình lại có thêm 1 brother nữa ở đây.
Hôm qua Susiku hỏi mình rằng ở đây có cái gì better hơn your country không? Mình trả lời là nothing except all of you, I’m really happy when I live here and make friend with all of you. Đúng là thế, nếu không có những người bạn tuyệt vời ở đây, nếu ko có Madam Lusiwe, ko có Goodness vĩ đại, nếu không có Little Khan giỏi máy tính, nếu ko có Nayomi có nụ cười tỏa nắng, nếu ko có Little Mashayo muốn học tiếng Hindi, nếu ko có Francis khiêu vũ rất giỏi, nếu ko có Sosuku, ko có Joseph than thiện, nếu ko có Big Khan quan tâm, lo lắng từng li từng tí, nếu ko có Tati, Fatima vui vẻ, nếu ko có Madam Fatima crazy… thì có lẽ mình đã muốn về VN ngay hôm đầu tiên rồi.
Đến hôm nay thì đã khá quen với các mùi đặc biệt tại Campus nhưng những mùi đặc biệt ngoài phố thì nhiều khi vẫn buồn nôn. Không biết lúc rời khỏi đây mình có bị ám mùi và mang cái mùi kinh điển của Ấn Độ về nhà hay không nữa!
Hôm qua có 1 câu của Kripa làm mình muốn lộn ruột. Đó là lúc cô ấy lấy cái áo vest ở trong tủ ra cho Joseph xem, mình thấy đẹp liền hỏi mày mới mua hả? Tao ko tìm thấy cái áo nào cỡ nhỏ như của tao cả. Cô ấy chỉ vào vết mốc trên ve áo và nói không phải, tao mang đi từ trước. Lúc đó Joseph có nói thêm vào về việc cái áo bị mốc, mình hiểu nhưng Kripa sổ ra một tràng với Joseph và nói là she doesn’t understand! OK, có nhiều lần mình ko hiểu Kripa nói gì vì cái kiểu nói nuốt âm và chùng giọng ở cuối câu, nhưng ko phải lần này. Hic, con bé này chảnh thật. Chả ai trong lớp thích nó hết, vì nó luôn đứng ngoài các cuộc chơi của mọi người.
Sáng nay học massage đầu, thầy Kumar bảo em muốn học thì trước hết em phải cảm nhận trước. Thế là thầy massage đầu cho mình. Cần có herbal oil để massage hiệu quả hơn. Trước hết là dầu không làm cho bạn bị đau khi massage, thứ 2 là dầu là một loại thảo dược, nó sẽ thấm qua da làm bạn dễ chịu hơn. Lúc massage có nhiều động tác như kéo tóc, vỗ bộp bộp vào đầu. Mình đùa là thầy đang beating em nhưng why I feel so relax like that? Tối nay phải thực hành trên một bạn nào đó mới được. Nhưng mình có cảm giác là tay phải rất khỏe mới tạo được cảm giác đủ mạnh để có thể đạt hiệu quả nhất. Sẽ phải thực hành nhiều trước khi trở nên thành thạo. Thầy Kumar còn nói là em muốn học body massage thì em cũng phải cảm nhận được hết các động tác, sức mạnh cần có để đạt hiệu quả nhất. OK, I’ll try but not today. Còn hơn 5 tuần nữa để học. Buổi tập yoga hôm nay còn học về Meditation – bạn phải ngồi thiền thật thoải mái và tập trung suy nghĩ vào 1 thứ interesting nhất, happy nhất hoặc giữ cho đầu bạn thoughtless. Bài tập này khá khó ở những buổi đầu tiên nếu bạn ngồi ở một nơi ồn ào, nhiều người disturb. Ở đây khá isolated rồi, nhưng vẫn có nhiều người của lớp khác gây các tiếng động không mong muốn trong lúc tập nên chắc không phải tất cả mọi người đều có thể tập trung được hết theo đúng yêu cầu.
Buổi chiều tối đi ra chợ khu dân cư nghèo ở ngay gần Campus. Trời nhập nhoạng tối, các sạp hang bắt đầu bật đèn chạy bằng gas thì phải. Các xe bán gà công nghiệp đỗ ngày vệ đường. Gà công nghiệp mà toàn loại khoảng hơn 1kg, đứng như gà rù trong lồng. Họ làm gà rất đơn giản, chả vặt long chi hết, chỉ lột da rồi chặt miếng là xong. Chợ bán chủ yếu là rau củ quả và gia vị, ớt cay xanh rất nhiều. Khoai tây chỉ tầm 7K VNĐ/kg – rẻ bằng ½ giá khoai tây ở HN. Rau chủ yếu là các loại quả, củ như ớt, ladyfinger, cà chua, cà pháo, hành, bí đỏ, bí đao (màu gần như trắng chứ ko phải màu xanh như ở VN), không thấy loại rau lá nào. Chợ họp ngay trên khu đất trống nhớp nháp lầy lội đất chứ không có nền bê tong nào hết. Người bán chủ yếu vẫn là nam giới. Có một vài cụ già lọm khọm bán một mẻ ớt. Người bán mỗi khi nhận tiền từ người mua thường đưa lên miệng hôn tờ tiền rồi mới cất vào ví. Đi qua 1 xe bán đồ lặt vặt như đồ chơi trẻ con, mấy cái khuyên tai, vòng cổ, mấy dây dầu gội đầu… thấy có 1 đứa trẻ con khóc ngặt nghẽo đưa tay với cái oto nhưng mẹ nó nhất định ko mua cho. Con bé con tầm 3 tuổi, trong khi mẹ trông còn rất trẻ nhưng cũng đang bế một đứa nhỏ hơn ở trên tay. Mình lấy cái oto cho con bé và đưa 20 rs cho cậu bán hang. Cậu bảo one more – thế là Big Khan lấy thêm cái nữa cho con bé con mà mẹ đang bồng. Con bé cười hớn hở, mẹ nó cũng ngạc nhiên nhưng ko nói gì, chỉ cười, có lẽ vì ko biết tiếng Anh.
Lúc trở ra gặp một bà già lọm khọm bán ngô nướng, đưa cho bà 10 rs và lấy 2 cái ngô, bà đưa thêm cho 1 cái nữa nhưng xua tay không lấy thêm. Ngô nướng ở đây được bôi một lượt muối, ăn mặn mặn. Giá quá rẻ so với Hà Nội và người ta không bắt chẹt khách du lịch. Tự dưng cảm thấy một Ấn Độ thật gần, thật than thương chứ không xa hoa, hào nhoáng như khi vào các Shopping mall.
Lượn trở ra mua thêm 1 kg táo, hết 50 rs = 21K VNĐ, trong khi ở HN bán trong các siêu thị toàn gần trăm K/kg. Mình tin là táo này không có nhiều hóa chất bảo quản như mấy thứ táo của Tàu tại Vn.
Đi về Campus phải qua tòa nhà IBM to vật vã, bóng lộn, gặp rất nhiều người đi làm về. Các cô gái toàn đi dép xỏ ngón và mặc áo truyền thống trong khi các chàng trai mặc sơ mi lịch sự và rất đẹp. Thói quen đi dép xỏ ngón ở đây có lẽ tất cả các công ty nước ngoài đều phải làm quen và chấp nhận vì đó như 1 phần văn hóa bản địa rồi. Đang tưởng tượng là một cô nhân viên xinh đẹp của IBM Việt Nam làm việc trong 1 tòa nhà lộng lẫy mà đi dép xỏ ngón thì trông sẽ lạc lõng và buồn cười thế nào!

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Ngày thứ 15 tại India

Ngày 13-9-2010
Buổi sáng hôm nay học môn của cô giáo Madhu, một buổi học thú vị với rất nhiều thú vị và ví dụ hay. Bài giảng của cô Madhu bao giờ cũng rất sống động và lôi cuốn. Compentence Mapping là một môn khá mới mẻ so với các lý thuyết ở VN. Tất cả khá rõ rang với mỗi vị trí cần tuyển dụng trong 1 tổ chức, từ quá trình lập kế hoạch tuyển dụng đến tất cả các bước để có thể tuyển được right person for right position. Đấy là một việc không hề dễ chút nào, vì nếu tuyển một người không đáp ứng được các yêu cầu của công việc thì có thể gây loss cho công ty, nhưng nếu tuyển người thừa các tiêu chuẩn thì rất có thể họ sẽ chỉ làm một vài tháng rồi sẽ rời bỏ vì thấy công việc dưới tầm khả năng của họ.
Sau bữa trưa, cả nhóm tập trung dưới bãi cỏ cạnh campus để tập cho buổi biểu diễn. Bài biểu diễn rất đơn giản, chỉ có mấy câu hát nhưng phải chia thành 4 bè hát nối nhau, vừa hát vừa nhún nhảy cho đều. Sosuku làm leader, rất chuyên nghiệp. Nhóm hát chính là chị Goodness và Lusiwe (NP). Còn lại chỉ là hát phụ họa và nhảy theo cho đều. Tất cả đều tham gia trừ Akhin, Kripa đứng nhìn từ xa. Madam Fatima và em Mauritius thì ngủ trên phòng. Fatima (CR) thì bị tào tháo đuổi, cũng nằm bệt trong phòng luôn. Sau đó, thầy Raj đến xem và cổ vũ, thầy nhún nhảy theo trông rất buồn cười. Uống trà chiều xong thì lên xe. Lúc mọi người lên xe gần hết, Akhin nói mình ko được đi, nhưng madam Lusiwe trừng mắt lên bế phắt mình lên xe và bảo tao cần nó hát cùng! Thế là xong.
Hôm nay không đi xe bus của trường mà đi 2 xe loại 7 chỗ nên chỉ chở được 12 người. Số còn lại phải ở nhà. Đi gần 1 tiếng thì vào đến Bộ Ngoại giao Ấn Độ, qua cửa bé tẹo có một loạt cảnh sát đứng gác và phải qua máy scan trước khi bước phòng sảnh chờ. Ngồi chờ ở sảnh một lúc thấy xung quanh rất nhiều cảnh sát súng ngắn súng dài đi lại loanh quanh. Chả hiểu sao mà phải dùng lắm cảnh sát ở văn phòng bộ Ngoại giao đến vậy.
Chờ một lúc thì 1 madam ra dẫn vào phòng meeting nhỏ ngay cạnh sảnh chờ, madam đưa vào cho nhóm 2 cái chìa khóa nhà vệ sinh ở ngay bên cạnh, nói là ai có nhu cầu đi vệ sinh thì dùng chìa khóa này mở cửa, dùng xong lại khóa vào! Hic, lại một điều khó hiểu nữa: làm gì mà trong văn phòng bộ Ngoại giao phải khóa hết cả cửa nhà vệ sinh lại, khách có muốn đi vệ sinh 1 cái thì lại phải mượn chìa khóa rồi mới đi được! Hic hic… đúng là kỳ cục.
Vào phòng meeting một lúc thì có một nhóm học viên từ viện khác đến, rồi lại một nhóm khác, cứ thế có khoảng 7 nhóm với số lượng nhiều ít khác nhau. Các bạn châu Phi bắt chuyện tíu tít, nhưng không có ai từ Việt Nam cả. Trong thời gian ngồi chờ mình đã massage tay cho 2 cô gái rất xinh đẹp từ Sri Lanka. Chụp rất nhiều ảnh với các cô gái đến từ Châu Phi, trong đó có 1 bé bự gọi là Jumbo – bự hơn Madam Lusiwe rất nhiều, trang điểm đẹp, đeo bông tai đẹp, búi tóc đẹp, mặc áo vàng rực. Cô tỏ ra e thẹn khi Big Khan mời ra nhảy điệu Woaka woaka. Sau khi các nhóm đến đủ thì Mr Guptar nói nhóm mình sẽ biểu diễn đầu tiên. Biểu diễn xong thì Mr. Guptar giục cả nhóm phải nhanh chóng đi về. thương lượng mãi cuối cùng Mr. cho phép cả nhóm xem hết phần biểu diễn của nhóm thứ 2 là nhóm của cô Jumbo. Nhóm cô hát We are the world và một bài hát tiếng Hindi. Ra ngoài cửa đợi xe oto đến đón thì cả nhóm lại nhún nhảy tiếp, dường như biểu diễn 1 bài trong khán phòng chưa đủ tiêu hao năng lượng. Xe đến, lên xe, nhưng chỉ đi được 5 mét thì bị kẹt, không đi được nữa. Thế là mở nhạc thật to, mở hết cửa và cốp xe rồi tất cả lại nhảy ra ngoài vừa hát vừa nhảy nhót ngay trong khu để xe của Bộ Ngoại giao. Mình ngồi trong xe cổ vũ và hò hét theo. Việc tự dưng có 1 nhóm tụ tập nhảy nhót kéo sự chú ý của bao nhiêu người (chắc chủ yếu là các anh lái xe) quanh đó đứng xem nhiệt tình. Mr. Guptar cũng nổi hứng nhảy nhót theo, hóa ra Mr. ấy nhảy rất đẹp. Phải chừng 15p sau thì mới thông xe và tất cả lại leo lên xe đi về. Vừa đi vừa bật nhạc, các bạn lại nhún nhảy tiếp, tưởng chừng cái xe 7 chỗ cũng nghiêng ngả theo.
Đi được một lúc thì phải dừng lại chờ Kripa đi mua sắm đâu đó gần đấy. Cũng hơi ngạc nhiên khi mà Mr. Guptar có vẻ rất nể cô gái này, có vẻ con cái dân ngoại giao cỡ bự nào đó nên họ phải khúm núm đến vậy. Việc tự dưng phải ngồi ngoài đường chờ 1 người chả bao giờ tham gia các hoạt động tập thể làm các bạn cáu. Madam Lusiwe và Chiphongso (Zimbabwe) cáu, nói ầm ĩ với Mr Guptar là tại sao lại phải chờ, cô ấy ko biểu diễn, cô ấy không tham gia hoạt động chung gì hết, việc mua sắm là của cô ấy thì cô ấy phải tự lo chứ tại sao lại bắt chúng tôi chờ. Mr. Guptar nói là chỉ cần chờ vài phút thôi, các bạn bình tĩnh. Chờ tầm 5 phút thì thấy Kripa ở trong 1 xe oto khác đi đến. Lúc đó cả nhóm mới lại lên xe đi tiếp.
Lần đầu tiên đi vào Delhi vào ngày đi làm và giờ hành chính, lúc về lại đúng giờ tan tầm nên bị kẹt xe suốt dọc đường, mất hơn 2 tiếng mới về đến campus.
Về đến phòng vội vàng vác máy tính xuống phòng Lab nhưng chả có ai, cắm dây mạng vào máy chả có tín hiệu gì. Vậy là không thể gọi skype về cho Ỉn và Ộp. Cái đất nước quái quỷ này có thể hoạt động với cái mạng internet tốc độ 10Mbps và đứt liên tục thì kể cũng lạ.

Ngày thứ 14 tại India

Ngày 12-9-2010
Hôm nay là tròn 2 tuần ở đây. Thời gian trôi nhanh quá, chỉ còn 6 tuần ở đây nữa thôi. Chắc chắn sẽ rất nhớ mọi người sau khi chia tay. Liệu còn có thể gặp nhau một lúc nào đó trong tương lai? Nằm mơ thấy mình dạo chơi bên bờ biển Tanzania cùng cả đàn sư tử. Mơ thấy lạc trong rừng nhiệt đới của Costa Rica. Mơ thấy lạc trong lễ hội âm nhạc cuồng nhiệt tại Nam Phi… Oh, my dreams!
Hôm nay là buổi học massage đầu tiên. Khi thầy Kumar massage cho Kripa, mình được chỉ dẫn và làm thử một phần body của Kripa. Hic, Kripa còn bật cười khi mình đụng vào và kêu là mày touch tao nhẹ quá. Tiếp theo là học foot massage, đã nhờ Joseph làm specimen rồi nhưng đợi mãi Joseph không đến đành nt cho Big Khan nhờ bác làm người mẫu để mình practice. Hic, thật thú vị.
Sau bữa tối còn Massage tay cho Nayomi và Little Khan nữa. Mình hứa sẽ massage cho tất cả mọi người sau khi thành thạo hơn, nhưng cũng cần mọi người làm “người mẫu” để mình thực hành. Thầy Kumar nói chỉ có thực hành nhiều thì sẽ thuần thục thôi. OK, I’ll try my best.
Thế là mong muốn học yoga và massage của mình đã thành hiện thực, hơn thế nữa lại còn học từ chính quê hương của Yoga. Thấy Luật hấp dẫn bắt đầu có tác dụng với mình.
Sau 2 tuần ở Ấn Độ, điều mình cảm thấy khác biệt nhất với HN đó là trông tòa nhà nào cũng như bỏ hoang vậy, trong khi thực tế thì có rất nhiều người sống hoặc làm việc trong đó. Các canteen dọc đường thì trông bẩn thỉu và buồn tẻ như cái nhà vệ sinh ở HN vậy. WC công cộng thì thuộc loại Open – kiểu đúng như ở nông thôn miền Bắc. Ở đây cảm giác như người dân chả việc gì phải chen lấn từng cm đất như ở HN hay HCM gì hết, đường nào cũng thoải mái mở rộng khi cần vì ven đường có vỉa hè rất rộng trồng rất nhiều cây. Các tòa nhà ven đường thì nằm tận sâu bên trong, cách đường một khoảng vườn nữa. Có nhiều phố trong trung tâm New Delhi có 2 hàng cây ở vỉa hè như phố Phan Đình Phùng ở HN vậy. Nói chung là chỗ nào cũng thấy cây và cỏ, khỉ, chó, bò, sóc và chim, ruồi và muỗi nhiều vô kể. Người dân ở đây nhiều người ăn chay hoặc không ăn thịt mấy, chỉ ăn có thịt và trứng nên các con vật đó có thể thoải mái sống lang thang ngoài phố mà chả ai đụng đến (trừ thỉnh thoảng bị kẹt xe). Lại nói về dịch bệnh Dengue do muỗi nhiều vô kể, đọc báo ngày nào cũng thấy hô hào dọn dẹp khu phố và phun khử trùng để đề phòng dịch. Góc phố nào cũng có ít nhất 1 xe cảnh sát và vài ba chú cảnh sát đứng trực. Hôm nay mới nhìn thấy 1 cái taxi chạy rù rì ngoài phố, còn lại phương tiện công cộng chủ yếu là xe tuckshaw và xe đạp kéo. Vào siêu thị Bazaar (một trong những chuỗi siêu thị lớn tại đây) thì chỉ có nhiều rau củ, sữa thì chỉ có vài hộp sữa chua, ko có sữa nước, không có thịt cá trứng sữa gì hết. Ở khu bán thiết bị y tế có vài hộp Weight gain là hết. Tìm mỏi mắt chả có sữa trong khi sản lượng sữa của Ấn Độ đứng thứ 2 trên thế giới. Chả hiểu họ làm gì, hay chỉ để xuất khẩu hết, hay dân Ấn không thích uống sữa.
Còn điểm khác nữa là phụ nữ ở đây toàn thuộc loại khủng. Thanh niên rất nhiều người gầy đét nhưng tầm trung tuổi thì hầu như người nào cũng bụng bự - cả nam lẫn nữ. Trứng gà thì toàn loại lòng đỏ nhợt nhạt y như lòng trắng. Phần lớn dân ở đây ăn chay
Có một điểm khác nữa giữa HN và New Delhi đó là ở đây cấm thuốc là và rượu bia ở tất cả các nơi công cộng. Vì thế mà rất khó tìm thấy chỗ nào bán thuốc lá và rượu bia tại đây. Quán café cũng không dễ tìm như ở HN, café chỉ có trong các shopping mall. Và muốn mua cái gì cũng phải chạy ra shopping mall, do không có các cửa hang tạp hóa bán lẻ ở đây. Khu dân nghèo cũng có chợ “chạy” nhưng chỉ thấy vào lúc chập tối và chắc là họ cũng chỉ bán một lúc chứ không bán cả ngày.
Ở đây cái gì cũng phải ngã giá giống như HN, trừ khi mua hàng trong siêu thị. Rất ít loại nước cọ toilet, có lẽ họ không dùng hàng ngày như dân VN.
Buổi chiều tối (tầm hơn 5PM) ngày chủ nhật thì đường phố rất vắng vẻ, hình như họ không đi ra ngoài đường mấy như dân VN – chủ yếu thư giãn ngoài đường. Vì thế mà đi bộ vào buổi chiều rất dễ chịu, vắng vẻ, cây cối nhiều, hoa nở, chim hót, sóc kêu, chó ngủ dài trên vỉa hè, tất nhiên là bạn chỉ nên đi bộ như thế theo từng nhóm hoặc ít nhất là phải đi cùng với 1 nam giới thì mới đảm bảo an toàn cho bạn. Trên báo Delhi Times và India Times đưa tin rất nhiều vụ cưỡng hiếp tại đây.
Internet ở đây cực kỳ chậm, mạng đứt liên tục, wifi chỉ có 1 vạch mà cũng out lên out xuống. Mashayo (Tanzania) nói với Mr. Guptar (Admin) ở đây rằng: What will we do here without internet, without beer, without café, without bar, without night club, without women?!!
Đi tìm mua tấm thảm tập Yoga mà không tìm ra, chỉ toàn loại ngắn ngủn. Chắc phải ra Mall lớn hơn mới tìm được.

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2010

Ngày thứ 13 tại India

Ngày 11-09-2010
Cả ngày đi chơi trong New Delhi bằng xe oto của trường. Đi qua song Yunama thấy nước song tràn hết cả hai bên bờ, ngập trắng khu slum ngoài bãi. Khác với VN, bãi song ở đây mặc dù rất rộng lớn thì cũng chỉ để cây mọc, không trồng cấy ngô, khoai như ở VN. Dân sống trong khu ổ chuột cạnh các khu đất trống, bãi hoang rất nhiều nhưng tuyệt nhiên không thấy dấu hiệu trồng ngô, khoai sắn nào hết, chỉ để cỏ mọc hoang và trâu bò ăn cỏ. Chả biết dân sống trong các khu ổ chuột đó sống bằng công việc gì nữa.
Đầu tiên là vào Gandhi Mashara, một khu tưởng niệm The Father of nation, cực kỳ rộng và thanh bình. Cây cối trong khu tưởng niệm được chăm sóc cẩn thận tỉ mỉ, cỏ rất mượt. Đài tưởng niệm ở giữa khu vườn rộng, không biết đó có phải là nơi chon cất Mahata không? Có một số người dân ngồi ở dưới chân mộ rì rầm cầu nguyện và trải hoa cúc trắng lên mặt ngôi mộ. khách tham quan có thể chọn cách vào trực tiếp và đi sát quanh ngôi mộ để ngắm hoặc đi trên đường vòng quanh được tạo cao hơn hẳn. Khu tưởng niệm còn có 1 hồ nước và rất nhiều cây cỏ khác. Bọn sóc thoải mái vui đùa trong vườn, thậm chí còn dạn dĩ chả them chạy khi người đến gần. Còn bọn chó hoang thì nằm lười biếng ngay lối đi đông người, cũng chả them mở mắt, mặc kệ nhiều người đi lại xung quanh.
Dọc đường đi hôm nay phát hiện ra New Delhi có rất nhiều hoàng lan và ngọc lan, y chang Hà Nội, nhưng ko biết có hoa hay ko? Cây cỏ ở đây giống hệt như ở Hà Nội, làm mình chả cảm thấy xa lạ gì mấy mặc dù lần đầu đến đây.
Rời khu tưởng niệm Mahata, cả đoàn đến khu chợ Mini market, một khu chợ cực kỳ phong phú đồ hand made, đồ lưu niệm, đồ trang sức của chị em. Lạc vào mê cung này thì không muốn ra nữa. Tiêu 400 rs vào cuốn sách Yoga, 200 rs vào chiếc xắc nhỏ rất đẹp – có thể chả dùng mà sẽ làm quà tặng ai đó. Mua 1 cái áo sơ mi dài tay bằng cotton khá đẹp, cỡ nhỏ nhất rồi, nhưng về nhà thử thì thấy vẫn rộng mênh mông. Tìm đồ ở đây khá khó khăn vì phụ nữ ở đây toàn to bự. Mua thêm món đồ cho yoga nhưng vẫn chưa tìm thấy thảm tập. Có lẽ ngày mai sẽ lại đi Shipra mall để kiếm cái thảm tập vậy. Lúc về xe thì gặp cậu bé tí teo bán vòng cổ cứ nài nỉ mãi nên mua cho cậu 3 cái dây loại hạt nhỏ. Hết 20 rs – quá rẻ so với ở HN. Đang tính không biết có nên buôn đồ trang sức này về HN không đây.
Chờ 2 madam Nam Phi mất gần tiếng đồng hồ ở cái ngõ nóng nực đó, gọi điện thì không nghe, thật không hiểu nổi mọi người – chả có giờ giấc gì hết, bắt cả đoàn phải đợi bao nhiêu lâu. Lúc lên xe, Fatima (CR) nói là từ sau chỉ chờ tối đa 10 phút, nếu ai chậm thì sẽ tự túc phương tiện đi về.
Sauk hi rời khu chợ thì cả đoàn được đưa về Temple… ngay cạnh làng Common Wealth Village – khu làng dành cho các VĐV tham gia Common Wealth. Tất cả khách tham quan đều phải qua 2 lần kiểm tra an ninh, những đối tượng khả nghi có khi phải qua 3 lần security check. Không được phép mang bất cứ thứ gì vào trừ money. Một khu tuyệt đẹp bằng đá, chưa chỗ nào thấy lộng lẫy hơn. Cũng như tất cả các temple khác tại đây, khách phải gửi giày dép ở ngoài và đi chân đất vào trong. Trời nắng nên mình mượn cái khăn của Khan 2 và quấn lên đầu giống như người Hồi Giáo vậy. Big Khan nói mày trông giống 1 phụ nữ Afganistan. Mọi người nhìn mình quấn khăn kín mít thì cười ầm ĩ.
Về đến nhà là gần 6PM, vừa đi vừa ngủ gật.
Mang máy tính xuống phòng Lab nhưng mạng không hoạt động, chả biết làm gì nếu ko vào mạng được. Không thể gọi điện về nhà vì máy hết tiền. Chán.
Bữa tối lúc 8.30PM lại các món như cũ, nhưng thịt gà hôm nay xào toàn nước lõng bõng, vàng khè. Lấy vài lát dưa chuột, một thìa cơm – that’s all. Ai cũng trố mắt bảo mày ăn thế thôi à?! Chị Goodness nói mày nhìn con bé Myamar nó ăn cả núi Everest kia kìa! Nhìn vào đĩa của Goodness mình bảo đĩa của mày chỉ là núi Kilimanjaro thôi! Lại cười ầm ĩ.
Micheal Butao (Malawi) nói you’re my Vietnam sister. Little Mashayo nói I like you very much. I wish you were my sister. Ok, guys, I’m your sister. Madam Lusiwe nói babe, I like your style. Cả Goodness và Lusiwe đều gọi mình là babe, vì so với 2 chị thì mình chỉ bằng 1/3. 2 chị còn nói nếu mày mà ở Châu Phi thì mày sẽ ế chồng, no men like a slim girl like you.
Giờ thì mình đã hiểu là tại sao Big Khan luôn luôn thích nghe bài I’m alive của Celin Dion đến vậy. Bác ấy nói ở Afganistan rất nguy hiểm, mày đi làm nhưng không sure là mày sẽ sống để trở về nhà vào buổi tối. Có hơn 40.000 lính Mỹ, UK, Pháp, Nhật, Đức… ở đó. Bạn của Big Khan đang ở Mỹ, làm giáo viên dạy tiếng Afganistan cho lính Mỹ then they go to Afganistan and kill people here! Thật đau khổ nhưng vì cuộc sống, ai cũng cần tiền mà!– he said that. Big Khan 37 tuổi mà tóc và râu bạc gần hết, trông già như gần 60 tuổi. Khan 2 mới có 27 tuổi mà trông như gần 40 tuổi, tuy nét rất đẹp nhưng luôn có nét khắc khổ phảng phất trên khuôn mặt. Little Khan mới 22 nhưng trông già dặn hơn nhiều, cười rất tươi và rất thích bạn Nayomi (Sri Lanka) – cô gái có nụ cười tỏa nắng.
Madam Fatima (Yemen) mỗi lần đi shopping là túi to túi nhỏ, lần nào cũng phải có 1 cậu nào đó xách hộ hàng chục túi về phòng. Fatima và Tatiana (CR) nói rằng có lẽ madam Fatima sẽ cần nguyên cả cái máy bay để chở đồ về Yemen mất!
Kripa ở cùng phòng mình cũng vậy, mỗi lần mua sắm hàng trăm đô, mà hầu như chả mấy ngày ở nhà. Mình vẫn không hiểu là tại sao cô lại lắm tiền vậy, có lẽ cô là con gái nhà tài phiệt nào đó ở Nepal!

Ngày thứ 12 tại India

Ngày 10-9-2010
Hôm nay là buổi đầu tiên có buổi tập riêng với thầy Kumar. Vì chưa hiểu nhiều về Yoga nên chỉ có thể hỏi một chút về accu, thầy nói mày chỉ thành thục được qua practice thôi. Vi thế mình nói sẽ đọc sách trước sau đó sẽ hỏi thầy sau.
Buổi tập yoga rất thú vị, tất cả các cơ trên người được luyện tập và tác động nhưng lại không tạo cho người ta cảm giác áp lực, ngược lại rất thư giản và thoải mái. Khi tập yoga, cần nhất là sự tập trung suy nghĩ chỉ cho 1 việc, không nên suy nghĩ nhiều, làm giảm tác dụng của buổi tập.
Sáng nay lại có món trứng luộc, làm hẳn 2 quả vì tối qua chỉ có thể ăn vài lát dưa chuột, cơm không nuốt nổi vì mình ko quen ăn cơm với cháo đậu như các bạn. Soup cũng ko có, rau thì chỉ có mỗi dưa chuột, cà chua và hành tây sống. Thật chán cái kiểu ăn uống ở đây quá rồi. Sau khi nhảy nhót về thì bụng rỗng không, phải lôi mì gói ra ăn. Gói mì đầu tiên đã được tiêu thụ, nhưng với kiểu này thì có lẽ số mì mang đi sẽ nhanh chóng ăn hết thôi. Hay chuyển sang ăn chay nhỉ?
Hôm nay là ngày tháng Ramanda kết thúc, bắt đầu ngày nghỉ lễ của người Hindu và người Hồi giáo. Vừa vào lớp Madam Fatima đã mang bánh quy đi mời mọi người. Một lúc sau thì 3 Khan đến lớp, cả 3 cùng mặc áo truyền thống của người Hồi giáo, quàng khăn qua cổ, mang một chồng đĩa và bánh ngọt đến mời mọi người. Rất cảm ơn các bạn nhưng 2 món bánh quá ngọt, hình như 80% là đường chứ không phải bột. Nhấm nháp cả ngày mà không hết, cuối buổi phải bỏ lại một nửa.
Trong giờ học về … thầy… có một bài tập nhỏ cho cả lớp. Trong trường hợp thuyền của bạn bị mất phương hướng và lạc trên biển. Hãy chọn 5 thứ quan trọng nhất trong list 15 thứ. Sau đó thầy hỏi từng người là thứ nào quan trọng nhất, khoảng 5 người đầu tiên trả lời đều ko đúng, thầy nói tôi sẽ pay 100 rs cho người nào trả lời chính xác nhất. Sau đó Tatiana (Costa Rica) trả lời đúng nhất, đó là cái Shaving Mirror. Thầy nói chúc mừng em, em xứng đáng là thuyền trưởng để cứu cả đoàn và móc ví lấy ra tờ 100 rs tặng Tatiana! Hic, đã học được thứ quan trọng nhất khi đi biển: Đó là chiếc gương để nếu có bị lạc thì còn dễ dàng ra hiệu cho các phương tiện cứu hộ khác.

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2010

Ngày thứ 11 tại India

Ngày 09-9-2010
Hẹn với thầy Kumar từ 6.30AM nhưng chờ mãi đến gần 7AM thầy mới đến nên private class sẽ phải dời sang ngày mai. Buổi tập yoga hôm nay rất vui, mọi người tập trung hơn hôm qua. Mình nói với thầy Kumar rằng I’ll be a part-time yoga teacher in my country. Thầy nói, OK, you can. Yoga yoga, I love yoga.
Bữa sáng hôm nay chỉ có bánh mì, sữa chua và chapatti, không có trứng luộc như mọi khi. Little Mashayo nói I don’t know why there are no eggs this morning but I feel exhausted without meat. Oh, me too.
Từ hôm nay mình chuyển chỗ ngồi giữa 2 chị Nam Phi. Hồi mới đầu cảm giác khó gần nhưng bây h thì cả 3 đã hiểu nhau rất nhiều, có thể cười với nhau rất rất nhiều, hiểu nhau từng cái nháy mắt và cử chỉ để cùng laugh. Little Lusiwe dạy mình mấy điệu phẩy tay ra hiệu của người châu Phi và cả cách búng tay. Cả chiều nay mình tập cách búng tay giống Madam Madhu dạy Psychometric và các bạn mà vẫn chưa thể thành thục. Búng mãi mới chỉ bật bật được tiếng nhỏ, trong khi các bạn vừa nhún nhảy vừa búng tay tanh tách. Thật pờ rồ. I’m just beginner, not professional like you yet, guys. But, I’m sure I can do. OK, lại một bài học mới, một trải nghiệm mới cho mình.
Chỉ có âm nhạc là không biên giới, là không phân biệt chủng tộc, màu gia, tôn giáo?! Đúng là như thế với buổi tối nay. Đầu tiên là do mình khởi xướng khi mà sau bữa tối thấy trời rất đẹp, liền gọi Joseph và Big Khan ra sân để ngồi nói chuyện. Từ nói chuyện từ chuyển sang âm nhạc, rồi mấy bạn từ trong nhà ăn ra, mấy người từ phòng Lab về, mấy người từ phòng xuống, thế là thành một lớp dance tuyệt vời. Hát, nhảy. Bật nhạc từ điện thoại, nhảy. Bật nhạc từ máy tính, nhảy. Cuối cùng thì máy tính cũng hết pin, điện thoại cũng hết pin; Chuyển sang điện thoại khác, dance tiếp. Francis và Susiku (Zambia) dạy mình cách nhảy đơn giản nhất, từ điệu slow đến vài điệu cơ bản khi mọi người quay thành vòng tròn và nhún nhảy theo nhạc. Giữa vòng tròn các bạn đến từ châu Mỹ, Châu Phi nhảy nhót cuồng nhiệt chỉ có mình và Vuthy (Cambodia) là chả biết gì, cảm giác thật kém cỏi và lạc long. Nhất định sẽ cho Ỉn và Ộp học dancing ASAP để đến khi Ỉn Ộp vào đại học là có thể nhảy nhót hát hò tốt. Có như thế thì việc hòa nhập với các môi trường khác mới dễ dàng hơn.
Về nhạc cho dance thì có lẽ không châu lục nào có thể vượt qua Châu Phi cuồng nhiệt. Cuối cùng thì vẫn là các bài hát châu Phi mới có thể hâm nóng bầu không khí lên đến điểm thăng hoa. Một cảm giác tuyệt vời mặc dù sau 2 tiếng nhảy nhót thì mọi người cũng mệt lử. nhưng dư âm tuyệt vời của cảm giác lắc lư theo nhạc thật tuyệt. Mineali (Tanzania) hứa sẽ dạy cho mình mấy điệu của châu Phi. Francis hứa sẽ dạy mình điệu salsa và everything you want to learn. Micheal Butao (Malawi) thì gọi mình là Sister, còn ôm thật chặt nữa chứ. Little Mashayo gọi là Big Brother (theo một truyền thống gì đó của người châu Phi). Hic, this moment I don’t want to say goodbye to all of you even I miss my family very much. Mình có cảm giác như một khoảng thời gian gọi là Gap time vậy. 2 tháng không trách nhiệm gia đình, ko công việc, không bạn bè, người thân, hoàn toàn là môi trường xa lạ, sống giữa những người xa lạ, nói một thứ tiếng xa lạ, học những điều mới lạ.

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Ngày thứ 10 tại India

Ngày 8-9-2010
Đêm qua lại mất ngủ từ 3AM, không hiểu tại sao cứ giờ đó thì thức giấc và không thể ngủ lại được nữa. Muỗi nhiều vô kể. Bọn chúng hút bao của mình bao nhiêu máu không biết nữa. Tối qua chỉ ăn đúng có một thìa cơm và một thìa khoai tây chiên, 1 bát súp con con. Mình xuống muộn nên chả còn dưa chuột, chả còn trứng – chỉ còn nước sốt trứng. Có lẽ mình sắp thành người ăn chay cũng nên.
Buổi tập Yoga hôm nay rất thú vị, mình nói với thầy giáo dạy Yoga rằng I want to be an yoga teacher like you after this course. Thầy nói là you have a suitable body to be an yoga teacher và phải spend more time to learn with me. Cuối buổi tập đã thống nhất là sẽ tập riêng cùng thầy 30 phút mỗi ngày, bắt đầu từ 6.30AM, học phí thêm là 50 rs/day. OK, quá rẻ. I’ll save money to learn yoga. Other things I can buy in Hanoi, not in Delhi.
2 chị Nam Phi còn không thể khoanh chân ngồi bình thường như mọi người vì quá béo, hai cái chân không thể gập vào kể cả ngồi xổm! Hic hic, nhưng bù lại các bài tập thở của chị ấy rất tốt. Thầy giáo nói là I don’t know if you learn yoga before or not but you do excellent.
Bữa sáng nay chỉ có món mì xào đẫm dầu và corn flake trộn sữa. Ăn đúng một chén nhỏ corn flake rồi về phòng. Không muốn ngồi lâu dưới dinning room.
Về phòng buồn đến mức chỉ ngồi đọc báo và nghe nhạc một lúc rồi gập lại muốn ngủ nhưng không ngủ được. Muốn đi tắm và giặt quần áo nhưng Kripa chiếm nhà tắm và cái xô duy nhất nên chả làm gì được. Thôi, đành để quần áo bẩn lại sau vậy. Có thể lúc teabreak buổi trưa sẽ tranh thủ về phòng để giặt vậy. Hiếm khi có ngày nắng đẹp như hôm nay, phải tranh thủ giặt giũ cho quần áo thơm tho thôi. Lại nói đến chuyện giặt và phơi ở đây, mắc áo thì chỉ có 3 cái nên không thể mắc hết quần áo, số còn lại phải vắt ngang cái dây phơi, phơi xong thể nào cũng có một vệt gỉ sắt trên quần áo. Hic, kiểu này phải đi mua thêm một ít mắc áo thôi. Biết thế này mình đã mang ở nhà đi, ở nhà có bao nhiêu là mắc áo.
Khi giảng về Global HRD - Cross Cultural Process, thầy Singh nói rằng: Có 3 thời điểm separate trong cuộc đời: 1 là khi đứa trẻ được mẹ sinh ra (separate between babe and mom), 2. Khi con cái lập gia đình. 3. Khi chết. Yes, that’s right! Thầy 75 tuổi rồi nhưng trông chỉ như 58-60 tuổi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và khúc chiết.
Vẫn có nhiều điểm mà mình không thể lý giải được ở cái đất nước kỳ lạ này:
1. Kể cả trời nắng chang chang, ánh sáng tràn ngập thì cũng đóng cửa kéo rèm kín mít khắp các phòng, từ phòng ăn đến phòng học, phòng làm việc. Cửa thì có 2 lớp rồi, 1 lớp kính bên ngoài, 1 lớp chống muỗi bên trong – OK, nhưng tại sao không mở cửa, dồn rèm ra để lấy ánh sáng tự nhiên, tắt bớt đèn hoặc tắt đèn nếu cần để tiết kiệm điện, trong khi điện đóm phập phà phập phù, cứ lúc lại bị off. Cả máy lạnh nữa – trời nóng ơi là nóng ở bên ngoài mà các vị vẫn cứ mặc áo dài tay rồi bật điêu hòa lạnh cóng.
2. Nhà vệ sinh trong trường, kể cả NVS trong khu làm việc của cán bộ cũng chả thấy bao giờ cọ rửa quét dọn, chỉ bỏ vài viên thuốc diệt muỗi vào bồn rửa mặt và thay giấy, chấm hết. NVS trên khu campus thì đã đành là ko được cọ rửa, bẩn cóc cáy suýt nữa làm mình muốn ọe khi vừa đặt chân đến đây (bây h thì sáng bóng long lanh nhờ mỗi ngày mình dành ra nửa tiếng kỳ cọ rồi).
3. Phụ nữ ở đây hầu hết là mặc đồ truyền thống, hoặc quấn saree bằng vải nilon hoặc mặc áo saree cách điệu cùng với quần bó và lúc nào cũng vắt 1 cái khăn cũng loại toàn nilon qua 2 vai (chứ không quấn quanh cổ), có cảm giác lúc nào họ cũng phải cố gắng giữ cho 2 đầu khăn ở sau lưng. Thử mặc saree hôm ở Delhi Haat, cực kỳ nóng bức và khó thở vì toàn vải nilon (để giữ cho vải được suôn, ko bị nhàu và quăn), đã thế lại tốn những 5,5m vải! Bụng thì toàn loại bự tổ chảng mà ai cũng khoe ra. Ôi trời ơi, bây h là monsoon thời tiết mát mẻ thì may ra còn dễ chịu hơn chứ mùa hè nóng đến 45-50 độ mà phụ nữ ở đây vẫn quấn chừng đấy vải nilon quanh người và vắt khăn qua cổ thì sẽ khó chịu chừng nào, sẽ làm giảm sự thoải mái vận động, thoải mái làm việc chừng nào! Việc ăn mặc không thoải mái cũng làm giảm giá trị cuộc sống rất nhiều. Cũng ko rõ mùa đông lạnh giá thì họ sẽ mặc ntn nữa.
4. Phụ nữ ở đây thuộc tầng lớp dưới hay sao đó mà cuộc sống cực kỳ khổ - dễ dàng bị chính cha, anh em trai, chồng bán cho nhà thổ hoặc ép đi làm gái điếm. Báo hàng ngày có rất nhiều tin về các vụ bạo lực với phụ nữ, từ hãm hiếp, đến đánh đập, đến đổ dầu vào đốt… tỉ lệ phụ nữ được đi học cũng thấp hơn rất nhiều. Nhưng ngược lại, rất nhiều phụ nữ nổi bật. Tổng thống Ấn Độ hiện giờ cũng là 1 phụ nữ, trông cực kỳ khắc khổ. Trên báo cũng hay đưa tin về Sonia Gandhi và mấy vị chính khách nữa cũng là nữ. Cô giáo Madhu dạy Psychometric tools cũng rất năng nổ, giỏi giang và giàu có. Đấy lại là 1 ví dụ nữa cho sự khác biệt ở đây.
5. Người phục vụ ở đây hầu hết là nam giới, chả thấy có phụ nữ gì cả, kể cả các nhân viên bán hàng tại các siêu thị, cửa hang; ngoài đường cũng ít phụ nữ, có lẽ phụ nữ toàn stay at home and do housework.
6. Rất nhiều người ăn chay ở Ấn Độ, nhưng mà số người thừa cân chắc cũng thuộc loại nhiều nhất thế giới. Trừ tầng lớp những người phục vụ ra thì toàn thấy người béo tốt, bụng to như trống kể cả đàn ông lẫn đàn bà.
7. Trẻ con ở đây trông toàn như còi xương suy dinh dưỡng hết cả lượt, đứa nào cũng bé như búp bê trong khi mẹ thì to như tượng – Little Lusiwe (NP) nói: that’s not equal!
8. Áo somi cho nam giới ở đây toàn loại lưng lửng chứ không dài như ở VN. Mấy cậu phục vụ toàn mặc loại áo ngắn gần sát cạp quần, hớn hết cả lên phía trước và ngả màu cháo lòng.
Tối nay, Goodness (NP) và Little Mashayo thử tết tóc thành lọn nhỏ cho mình nhưng không giữ được bao lâu thì nó tự duỗi ra. Mình nói rằng tao muốn thay đổi kiểu tóc giống của mày – kiểu tết chặt vào da đầu của người châu Phi. Hic, sau một hồi hì hụi thì Goodness bảo tao không làm được, tóc mày so soft.
Ngồi suốt buổi tối dưới phòng Lab mới gọi về nhà cho Ỉn và Ộp được, Ộp chả nói năng gì mấy, nói mấy câu với mẹ mà toàn phải nhờ bố nhắc. Ỉn thì nói líu lô, kể chuyện học, được 2 điểm 10 môn toán. Hic, mấy cái bài nhận biết hình và phân biệt theo nhóm thì Ỉn đã được làm quen từ lâu lắm rồi, gì mà cậu chả giỏi. Ỉn bảo mẹ về ngay nhé, con là lái máy bay của Vietnam Airline đây, con sẽ chở mẹ về. Hic… nhớ Ỉn và Ộp quá trời, Ộp vẫn thích làm điệu, tết tóc và mặc váy dài quét đất thướt tha như mấy cô thi hoa hậu.
Hôm nay khi học về Psychometric tools, cô Madhu có nói qua về một số tiêu chuẩn của một số job điển hình như receptionist rất thú vị như sau: good looking, dress up, make up, neat, hygiene (ko được phép có mùi khi thở, mùi mồ hôi, mùi hôi nách), keep smiling, soft voice, listening,… đến cái đoạn cô mô tả về mùi hôi nách cả lớp cười rũ rượi. Oh my God! (Mình bắt chước câu này của thầy Rishi Raj rất giống làm cả lớp cũng buồn cười theo).

Ngày thứ 9 tại India

Buổi tập Yoga đầu tiên kéo dài 1 tiếng. Chủ yếu là cách thở sâu, thở bằng 1 mũi, cười, một số động tác tay chân và bụng. Rất thư giãn sau 1 tiếng. Buồn cười nhất là điệu gầm như hổ. Đến bài đó thì hầu như mọi người đều cười chứ ít người làm được giống hổ gầm. Bài tập cuối cùng là cười thật to và thật tự nhiên. So many simple things but very good for your health. Oh, I’ll try my best. (Thế là một trong những việc trong to-do-list mình viết ra từ đầu năm đã thành hiện thực, còn 3 việc nữa thì phải – OK, I have enough time to do all things).
Bài giảng của Dr. Raj bao giờ cũng rất sống động, he’s so expressive! Hầu như không bao giờ nhìn thấy thầy ngồi yên một chỗ, hoặc nếu có ngồi thì tay chân sẽ hoạt động rất nhiều, khuôn mặt bao giờ cũng biến đổi và rất funny. Sau giờ học một nhóm kéo xuống phòng Lab thì thầy vào, hỏi thăm từng người một, how are you, miss Vietnam? Oh, I feel happy here, but we’ll be more happy if we can access internet thru wifi! Thế là thầy đi vào ngay phía phòng của IT Admin và xổ một tràng Hindi có lẽ là yêu cầu enable hệ thống internet. Cô bạn Myamar đang viết email thì đứng lên đi vào phía trong làm gì đó thế là thầy ngồi vào chỗ của cô và viết tiếp email cô đang viết dở với nội dung rất funny. Sau đó Khin về chỗ, thầy đứng lên cười khì và bảo I help you to finish the email! Ha ha…
Gọi điện về nhà cho bạn Ộp thì máy ở nhà có trouble, mất một phút chả nghe thấy gì. Gọi lại sau mới nghe được. Bạn Ỉn bảo mẹ ơi mẹ về đi, con nhớ mẹ lắm. Ộp nói rằng con đi học ngoan lắm mẹ ạ. Nhớ 2 bạn rất nhiều. Bạn Ỉn còn kể đi khai giảng vui lắm, có rất nhiều bong bay và cờ, con mặc áo đồng phục nóng quá, ướt hết cả áo. Bố thì bảo áo Ỉn bẩn đến nỗi không thể giặt thậm chí tẩy được. Hu hu… bạn Ỉn nghịch đất cát nhiều thế?! Mất 100 rs cho 2 cuộc gọi về nhà vì mạng wifi không hoạt động nên máy notebook thành vô dụng. PC ở phòng Lab thì không có skype.
Francis nói sẽ dạy mình dance, từ slow dance trở đi. Vụ này nghe hay đây. Mình có 2 tháng free from family and job responsibilities so I want to learn as much as I can.
Ở phòng ăn bữa tối, Mashayo nói you have natural beauty, like a child – rồi làm động tác như tay như bồng em bé và bảo mày làm tao có cảm giác như thế này này. Ha ha…you’re so funny. He said that’s truth, not flirting anymore.
Bạn Mauritius nói tao ko biết cách mặc saree của người Ấn như thế nào. Nhân tiện Meneali (Tanzania) quàng một cái khăn rất rộng và dài, mình liền mượn cô ấy rồi nói I’ll show you how to wear a saree. Mọi người rất thích thú với việc tìm hiểu cách mặc saree. Sau đó mình nói với Goodness (SA) là very easy to take it off, just do like that – rồi làm động tác kéo mạnh và xoay người của Mineali – giống một động tác trong dancing. So easy! Mọi người cười ầm ĩ – thật vui vẻ. I’ll miss you much once we say goodbye. I want to go to The Lotus Temple again to pray that we all meet again in the future. Nghĩ đến việc sẽ say goodbye và có thể sẽ chẳng gặp lại nhau nữa trong 6,5 tuần nữa mà muốn khóc. I love you all.

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

Ngày thứ 8 tại India

Một số điều thú vị học được từ các bạn:
Namibia: Có 1 bộ tộc Ovanhimba không bao giờ tắm.
Ở Afganistan: Lương của cb bình thường chỉ 120 USD, nhưng bù lại giá cả rất rẻ. Một ngôi nhà 3 phòng, 100 m2 chỉ có 8.000 USD. Rẻ hơn chừng 20 lần so với ở VN.
Bạn mới đến từ Mauritius từ chối tất cả các bữa ăn từ hôm qua vì mọi thứ đều dirty! Cô ấy nói ở Mauritius mọi thứ đều sạch sẽ chứ không như ở đây. Me too, but I easily get along with every thing here and ok now! I love every one, I’ve learnt many things from you, guys.
Rất nhiều quốc gia ở Châu Phi dùng Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức vì họ có thời gian dài bị đô hộ bởi người Anh.
Tanzania có một loại đá đặc biệt quý, đắt hơn kim cương và chỉ có duy nhất ở Tanzania gọi là Tanzanite. Tanzania còn có 5 bãi biển trong top 10 bãi biển đẹp nhất thế giới.
Chỉ duy nhất ở Tanzania, sư tử leo cây và dạo chơi bên bờ biển; Hươu cao cổ được tự do đi lại ngoài đường.
Người Ấn Độ không ăn thịt bò nhưng nuôi bò để lấy sữa rất nhiều, sản lượng sữa chỉ sau Mỹ. Bò được nuôi đến khi chết vì trong tôn giáo Hindu, bò được coi như là mother, no one kills his mother.
Trong Yoga, cười cũng là một cách tập. Tập Yoga cần giữ cơ thể fresh trước khi tập, tức là nên tắm và đi vệ sinh trước đó, giữ empty stomach.
Ở Congo: Số bò bạn tặng gia đình cô dâu càng nhiều càng chứng tỏ tình yêu của bạn càng lớn. Và chú rể sẽ đến ở nhà cô dâu sau đám cưới. Conggo cũng là quốc gia có số người nói tiếng Pháp nhiều nhất thế giới, nhiều hơn cả nước Pháp. “God is rests in Conga after creation”. Công có một đập lớn và giàu trữ lượng thủy điện có thể cung cấp cho cả châu Âu và Nga.
Tỉ giá ở Zimbabwe là 1 USD = 1,000,000,000,000 Zimbabwe dollar! Oh my God!

Ngày thứ 7 tại India

Hôm nay được nghỉ, tự lo bữa trưa. Tối qua Big Khan nói sẽ đánh thức mọi người dậy lúc 6h để tập thể dục nhưng trời mưa quá, dậy sớm cũng chả làm gì. Thế là nằm nướng đến tận gần 8h. Mưa lại làm ướt hết quần áo phơi ngoài hiên. Chả biết làm thế nào cho nó khô bây h, vì ko có chỗ phơi, máy giặt không hoạt động, không biết máy sấy có hoạt động hay không nữa.
Có một điểm khác biệt lớn giữa HN và New Delhi là ở Delhi có rất nhiều chim, khỉ, trâu bò thậm chí cả sóc – những con vật hiếm khi tìm thấy trong tự nhiên ở VN. Người dân ở đây không ăn những con vật đó như người Việt nên bọn chúng sinh sôi phát triển hang ngày. Từng đàn chim đông đúc bay lượn ngoài phố rồi sà xuống những khu vườn hoặc những khu đất lắm cây cối nào đó.
Tầm 12 h trưa lúc mang mấy cái quần áo ra ngoài hiên phơi thì nhìn thấy Big Khan và Little Khan đang chuẩn bị đi ra ngoài phố liền ới các bạn chờ mình để đi cùng. Mất 5 phút để quyết định cất hết quần áo vào trong nhà, lúc đó trời cũng đổ mưa tiếp. Suốt ngày mưa, bao nhiêu quần áo ướt không có chỗ phơi, cứ ướt đi ướt lại suốt.
3 anh em vẫy 1 cái tuckshaw và mất tầm 10 phút để quyết định chỗ đến và ngã giá. Cuối cùng giá đi đến The India Gate Place (trung tâm của Noida) là 80 Rs. Mình ngồi giữa, 2 Khan ngồi ngoài để hứng mưa. Quái lạ cái dân India này, trời mưa mà chả thấy ai mặc áo mưa, toàn phóng đầu trần trong mưa. Xe tuckshaw cũng chả có bạt che mưa 2 bên, khách ngồi bên trong hứng trọn nước mưa.
Lại nói thêm về phương tiện giao thong ở đây. Suốt từ hôm đến đây mình chưa nhìn thấy cái Taxi nào, kể cả ngoài sân bay. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe oto riêng, xe máy (loại Honda to), xe đạp cao ơi là cao hoặc nếu không thì là tuckshaw và xe đạp kéo.
Đến Shopping mall có hang dài xe tuckshaw xếp hang chờ ở ngoài. Trẻ ăn xin còi cọc cầm vài bong hoa hồng vừa chạy đến gí vào tay khách vừa xin tiền. Có một người phụ nữ bế một đứa nhỏ gầy gò, bẩn thỉu, tội nghiệp kinh khủng cứ lẵng nhẵng ngửa tay xin tiền mãi. Little Khan mở ví lấy vài đồng xu rupee ra cho. Vào cửa của Shopping mall cũng như tất cả các nơi công cộng hoặc nhà hang khác, khách phải qua cửa kiểm tra an ninh – xem túi và sờ người + máy quét cầm tay. Cái cửa vào chỗ nào cũng bé tí, từ shop, bank, restaurant đến shopping mall. Có lẽ vì lý do an ninh nên họ làm cái cửa hẹp thế để dễ kiểm tra khách vào nhưng nếu có fire hoặc accident gì đó bên trong thì không biết bao nhiêu con người đó sẽ thoát khỏi thế nào?!
The Great India Place là một trung tâm thương mại cực kỳ rộng, chắc phải gấp 5 lần so với Vincom Tower. Bên trong toàn các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới: Levis, Bata, Lacoste, Mac&Spencer, Converse, HP, Samsung,... Ngoài ra còn có rất nhiều bàn tư vấn bất động sản của các công ty kinh doanh địa ốc. Nửa tầng 4 là dành cho Food court. Đi lượn lờ khá lâu thì đói, 3 anh em quyết định đi ăn Pizza Hut. Có khá nhiều khách nên phải đăng ký sau đó cậu nhân viên canh cửa sẽ điều phối từng nhóm khách vào lần lượt. Xem Menu cũng chỉ toàn hải sản, mì rau hoặc thịt gà – không có loại thịt gì khác. Mỗi bill tính tiền sẽ charge thêm 10 rs để hỗ trợ quỹ chống đói nghèo của 1 cơ quan UN World Food Programe (WFP) để giúp đỡ những người nghèo tại India. Ở ngoài cửa của cửa hang có 1 cái chuông, nếu bạn hài long thì ring the bell. Khá nhiều tiếng chuông vang lên. Mình chọn món Spagheti, 2 Khan ăn Pizza thịt gà + 2 Coke. Tổng cộng là 614 Rs tương đương với 14 USD = 260.000 VNĐ, khá rẻ so với giá cả ở VN. Mỗi người chịu 200 rs mặc dù lúc đầu 2 Khan nói rằng don’t pay, pls, I’ll pay for you nhưng mình không đồng ý, nên share cho sòng phẳng.
Mình nói với 2 Khan rằng không thể tưởng tượng được cuộc sống nghèo khổ bên ngoài khi ở trong exclusive mall này và không thể tưởng tượng được sự xa hoa bên trong này khi gặp những người nghèo sống trong các khu ổ chuột ngoài kia. Vừa đọc tờ India Times, họ nói rằng số người nghèo sống ở các khu slum năm nay lên đến 91,2M người! tương đương 7,2% dân số Ấn Độ – hơn cả dân số VN - sống vạ vật ngoài các khu đất trống chờ xây dựng, ngoài vỉa hè, ngoài bờ kênh! Người nghèo ở VN chắc cũng không đến nỗi khổ sở như những người sống ở khu ổ chuột tại đây! Cứ mỗi lần trông thấy những người đó trong những cái lều tạm bợ khi đi xe qua mình lại thấy xót xa và không nén nổi thở dài. Và buồn. Tự dưng thấy cái xã hội này thật kỳ cục, sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội sao quá lớn như vậy?!
Shopping suốt buổi chiều nhưng cũng chỉ mua 1 quyển sách, vài thứ để cọ rửa nhà tắm vì một phần là mặc dù giảm giá đến 80% thì giá của các đồ hiệu vẫn khá đắt. Khá nhiều người xách túi to túi nhỏ hoặc đẩy cả một xe đầy ú – chứng tỏ tầng lớp trên của Ấn Độ rất giàu có. Hàng hóa tại đây có thể rẻ hơn tại Hà Nội ở một số thứ nhưng cả cái siêu thị lớn mà chỉ có vài loại hóa chất cọ rửa – có lẽ dân Ấn họ không cọ rửa lau chùi mấy thì phải.
Ra khỏi mall 3 anh em lượn sang khu vui chơi ở bên cạnh, mua 2 vé chơi trò Download – là trò mà người chơi được ngồi vào cái ghế bảo hiểm sau đó sẽ được đưa lên điểm cao nhất của cái cột rồi cho rơi tự do xuống đến gần đất. Mỗi lượt chơi được rơi 4 lần. Mình thấy bình thường vì thời gian rơi không trọng lượng quá ngắn, chưa kịp cảm thấy sợ thì đã dừng lại. Trong khi đó Big Khan không dám chơi, chỉ ngồi ngoài chụp ảnh. Lúc xuống còn bảo you make me scared! Mình và Little Khan vẫn cười bt. Lượn thêm 1 vòng quanh khu vui chơi rồi về.
7PM xuống Computer Lap, may mắn là chỉ có thể connect wifi, cable không connect internet được. Gọi skype về nhà để chúc mừng sinh nhật bạn Ếch Ộp hơn 1 tiếng, nói chuyện với hết mọi người. Nhớ bạn Ộp bạn Ỉn quá. Sợ các bạn nhớ mẹ không ăn uống được nhưng trộm vía các bạn trông vẫn khỏe mạnh, bạn Ộp có chút má vì được ở nhà 2 tuần không đi học. Khoe ảnh của 2 bạn với các bạn thì bạn nào cũng khen so cute, so nice, so beautiful. Big Khan vẫn nói là I don’t think you’re married and have 2 babies, you look so young! Oh, Thank Big Khan.
Nói về Nick name của các bạn mà mình vẫn gọi thì là như thế này: 3 bạn Afganistan tên khá khó gọi, trong khi Toopaan rất hay mặc áo có dòng chữ My name is Khan, các bạn bảo rằng Khan đồng nghĩa với việc giàu có và quyền lực dựa theo tên của 1 vị nổi tiếng nào đó. Thế là mình bảo sẽ gọi Niazi là Big Khan, gọi Abdul là Khan 2 và Toofaan là Little Khan! Mashayo (Tanzania) là Little Mashayo. Fatima (Yemen) – người hay bắt cả đoàn chờ đợi là Crazy Madame Fatima. Hôm nay sẽ gọi Madam Lusiwe (SA) là Little Lusiwe (vì Lusiwe chỉ nặng tầm hơn 100 kgs!)
http://www.facebook.com/album.php?aid=31447&id=100000091215170&l=862daebb84

Ngày thứ 5 tại India

Có một điều mình vẫn rất thắc mắc nhưng không biết hỏi ai. Là 2 bạn Nepal xài toàn hang hiệu thế giới trong khi bạn ấy nói rằng GNI per capita của Nepal chỉ là 400 USD. Cô bạn Kripa xài một lúc tầm 30 loại mỹ phẩm mà toàn của Swiss, France, Germany, UK. Quần áo cũng toàn hàng hiệu, đồ vòng lắc cũng toàn loại model mới nhất thấy trên các catalog. Giày dép, túi xách của cô cũng tương tự. Mỗi ngày cô nói chuyện với bạn (có lẽ là bạn trai) gọi từ Nepal sang hàng tiếng đồng hồ, hic hic,,, trong khi chồng mình chưa gọi sang cho mình lần nào. Có cảm giác như cô là con gái của tổng thống Nepal thì phải.
Còn cậu Akhil gầy gò thì xài quần áo cá sấu, balo Nike xịn, giày dép rất xịn. Máy tính của cậu cũng loại siêu mỏng, nhẹ. Cậu xài USB 3G thoải mái. Oh my God, who are you in your not-rich country?
Chiều tối nay bọn mình đã đi shopping ở Shipra Mall – một trung tâm thương mại rộng lớn, 7 tầng và có cả tầng hầm. Trước khi vào Mall khách phải qua kiểm tra túi (chắc để loại trừ mang bom hoặc thuốc nổ vào). Rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới có mặt tại đây. Đang mùa giảm giá nên hầu hết cửa hàng đều treo biển giảm từ 40-80%. Mặc dù vậy thử xem 1 cái áo sơ mi tay lửng không lấy gì làm long lanh cho lắm vẫn có giá tới 1500 rp sau khi giảm giá 80%! Hu hu… Do có quá ít thời gian nên chỉ kịp lượn lên lượn xuống để tìm cửa hàng bán cái microphone. Mình mua 1 cái loại rẻ nhất giá 139 Rp, giá cũng tương đương như ở VN.
Sau đó bọn mình thuê 2 xe rickshaw để đi về campus, lúc ngã giá thì lái xe ok 50 rupee, lúc trả tiền thì đòi thêm 20 rs, nói là phải đúng 70 rs. Hic, India way! Mỗi người trả 10 rs, sau đó Khan3 trả thêm 20 rs nữa. Lusiwe (SA) nói he’s gallant men! Thank you. Cả Big Khan cũng gallant khi mua cho mỗi người 1 cây kem lúc ở Mall, mình hỏi giá thì được trả lời là 12 rs. Cây kem ốc quế rất ngon mà nếu bán ở Vincom thì sẽ có giá 15-20K VND. Tức là ở đây rẻ hơn nhiều.
Mình gọi 3 bạn Afganistan là Big Khan, Khan2 và Khan 3 – cậu này rất giỏi máy tính, hầu như là làm IT Admin trong phòng lab luôn. Bất cứ vấn đề gì với máy tính đều có thể nhờ Khan3. Big Khan cũng rất quan tâm đến mình, lúc mình ỉu xìu vì không gọi skype về nhà được, bác ấy hỏi suốt là mày có connect được ko? Rồi đừng lo, mai có thể sẽ connect được. Gọi là phòng máy tính nhưng ko phải lúc nào cũng có thể vào mạng vì đường line lẫn wifi ở đó quá tệ, nhiều khi chỉ có tốc độ: 10mbps. Fatima (yemen) phát cáu vì ko thể vào mạng để chat với con trai, cũng ko thể gọi điện sang China cho cậu con trai đang học ở đó.
Buổi tối bị mất điện lúc 11PM, thế là Fatima chạy sang phòng mình ngồi nói chuyện, nói là ở phòng tao tối quá. Còn các boy and men thì ngồi hết ngoài hành lang nói chuyện ầm ĩ. Fatima kể con trai 20 tuổi đang học ở China lấy vợ 2 năm sau đó li hôn vì Chinese woman is crazy, she wants much money and one house and one car. Rồi Fatima còn kể về nghi lễ đập đá vào người và vào trán đến chảy máu của dòng hồi giáo suni hay Shiite gì đó. Hình như càng tự tra tấn bản thân mình thì lại càng được coi là sùng đạo hay là tín đồ Hồi giáo tốt thì phải! Fatima còn bỏ khăn vào áo choàng ngoài vì quá nóng. Bên trong lớp áo choàng và khăn trùm đầu còn có 1 lớp váy dài bên trong, ra ngoài thì còn phải mặc thêm 1 cái quần dài nữa, như vậy là có ít nhất 3 lớp quần áo. Hỏi là có nóng ko thì Fatima nói ở đây thì nóng nhưng Yemen thì ko nóng, nhiệt độ lúc nào cũng tầm 20 độ và ở đó ko mất điện bao h. Bác ấy còn ước gì có thể mang điện ở Yemen sang đây! Kripa nói she’s so crazy, crazy Fatima!
Hôm nay có thêm 1 bạn từ Congo sang, bạn này khá open và dễ chịu. 25 tuổi nhưng đã có 1 con trai 2 tuổi. cậu chủ động làm quen với mọi người, xin email, tên. Cậu nói là bị mất máy tính ở sân bay và sẽ phải face with many questions when coming back. Poor you!
Nạp tiền điện thoại di động ở đây chỉ limit tối đa là 150 rp, nhưng bạn chỉ được có 111.3 rp vào trong tài khoản vì bị trừ thuế gì đó.
http://www.facebook.com/album.php?aid=31447&id=100000091215170&l=862daebb84

Ngày thứ 6 tại India

Hôm nay được đi shopping cả ngày. Sau bữa sáng cả đoàn lên xe đi vào Delhi, đợi Fatima YM mất một lúc lâu.
Địa điểm đầu tiên là Nehru Place – một khu chợ thập cẩm tả pí lù. Nhiều nhất là các sạp bán quần áo, mấy hang đầu tiên thì chất lượng có vẻ bình thường nhưng lúc đi cùng Big Khan vào một sạp để Big Khan mua cái quần short, mình cầm thử 1 cái somi lên thì thấy đó là hang của Hang Ten, một cái áo dài tay chất lượng rất tốt, đường kim mũi chỉ cẩn thận, chất vải cotton, nhưng khi yêu cầu cái khác thì lại ko có cỡ L hoặc M, chỉ có duy nhất 1 cái cỡ S. Sau đó lục tìm trong đống somi còn có một số cái khác của các nhãn hiệu nổi tiếng nhưng bị cắt mác – có lẽ là hang xuất khẩu bị lỗi (giống như hang trong Made in Vietnam). Đồng giá là 100 rs, mình trả 70 rồi 75 nhưng không bán. Cậu bán hang nói fixed price nhưng Big Khan vẫn có thể mua giá thấp hơn cái fixed price đó. Cả khu mấy chục hang quần áo chỉ thấy hang đó là có vẻ chất lượng hơn. Các hang khác toàn loại somi mỏng, quần thì toàn nilon. Chợ còn có cả dịch vụ đổ mực máy in HP di động ngay trên vỉa hè, mấy hang bán Mainboard và ổ cứng cũ. Rất nhiều cửa hang bán đồ IT nhưng đều nhỏ hẹp và ở trên tầng 2. Chỗ nào trông cũng bẩn thỉu, suốt cả chợ không có cái thùng rác nào, rác được quăng quật linh tinh.
Cuối chợ có 2 sạp sách cũ, rất nhiều sách tiếng Anh nhưng khi hỏi có cuốn Shopaholic không thì họ nói là tác giả nào thì mới tìm được. Lúc đó đã đến giờ hẹn r axe oto nên 2 anh em phải đi luôn. Ra đến chỗ hẹn vẫn chưa thấy ai, ngồi chờ mãi chờ mãi các bạn mới ra.
Ra đến Cinplex thì cả lũ kéo vào hang MacDonald để ăn trưa. Qua cửa phải kiểm tra túi xách và người! Mình chạy thẳng vào toilet nhưng phải chờ rất lâu mới đến lượt, vì cả cái building đẹp đẽ đó chỉ có duy nhất 1 cái toilet, mọi người xếp thành hang dài để vào. Mấy cô người Ấn vào trong đó trang điểm lại, chải tóc rồi để một đống tóc nằm trên mặt kệ bồn rửa tay. Bồn rửa tay thì mốc xanh, phát sợ luôn! Cũng giống như toilet trong Hostel, chả bao giờ được cọ rửa. Sáng sáng có người dọn vệ sinh nhưng cũng chỉ quét dăm ba nhát chổi rồi cậu thứ 2 lau dăm ba nhát giẻ lau, thế là xong. Nhìn vào gầm giường đầy rác và bụi nhưng họ chẳng làm. Thôi thì có người phục vụ là tốt lắm rồi, chịu khó ở bẩn 2 tháng vậy.
Lúc vào Mac Donald thì các bạn đã mua gần xong đồ ăn, đồ khá rẻ, có lẽ chỉ bằng 2/3 giá ở VN. Big Khan mua cho mình 1 cái bánh nhưng mình ko ăn được vì vẫn còn no bởi cốc nước cam. Sau đó chỉ ăn vài cái khoai tây chiên của Lusiwe. Ăn xong thì cả hội kéo nhau ra vệ đường chờ xe, đợi mãi mới thấy Madame Fatima đủng đỉnh xách mấy túi đồ ra.
Lên xe đi tiếp đến một địa điểm khác – Laipat Nagar – một khu phố tồi tàn so với VN, các cửa hiệu cũ kỹ chả có dấu hiệu gì của buôn bán trừ một vài nơi sáng sủa hơn. Kéo Joseph đi sang đường mua táo và lê, giá táo là 60 rs/1kg, lê: 60rs/kg. OK, giá cũng phải chăng so với giá hoa quả ở HN.
Sauk hi mua mấy quả này thì 2 đứa đi đến thẳng cửa hang Bata đang treo biển sale off. Mình chọn một đôi xăng đan có các dây mảnh khá ưng ý nhưng mà thấp quá, tầm 3cm, và cái đế không được cứng cáp, cứ có cảm giác xiên xiên thế nào đó. Hỏi loại cao hơn nhưng ko có. Một loại giày khác cũng khá ưng ý, được giảm giá 50% thì lại quá to, cuối cùng đành tiếc rẻ đi ra khỏi cửa hang. Sang hiệu Samsonite bên cạnh, cũng treo biển Sale off to tướng nhưng even that, the price is still high!
Sau đó thì sang bên kia đường vào một cửa hiệu vừa chật chội vừa cũ kỹ tìm mua tube kem đánh răng, loại Colgate 200gr, 55 rs. Sang hang thuốc và tạp hóa bên cạnh mua một túi salonpas hết 55 rs nữa. Joseph muốn vào một hiệu ảnh xem camera, mình ngồi chờ ở ngoài. Sau đó 2 đứa sang hang Pizza Domino gọi 1 cái Pizza rau cỡ nhỏ và 1 chai cola hết 137 rs. Giá cả có vẻ dễ chịu. Nhưng cửa hang bé tí, có mỗi 3 bàn con. 2 đưa phải chờ một lúc mới có bàn free để ngồi. cửa hang này có khá nhiều loại Pizza nhưng ngoài loại ăn chay ra thì toàn là thịt gà nên mình và Joseph quyết định không gọi thịt gà – món truyền thống ở Hostel!
Rời hang Pizza, 2 đứa đi r axe để chờ mọi người, vì chả có nhu cầu mua sắm gì thêm trong khi các cửa hiệu cũng chả lấy gì làm than thiện và bắt mắt để mà vào. Lại đợi Madame Fatima mất gần 1 tiếng mới lên xe đi về Campus được.
Tối nay có một món đặc biệt để tráng miệng là Táo đỏ, mỗi người có 1 quả. Còn lại các món vẫn same same, lúc nào cũng thịt gà và dưa chuột.
Gọi điện cho Ỉn ỘP gần nửa tiếng, cả 2 bạn đều rất nhớ mẹ, Ỉn luôn miệng giục mẹ về đi, con không thích mẹ đi xa thế đâu. Nhớ 2 bạn quá mà chỉ có thể ngắm qua ảnh.
Ở campus có mấy chú sóc chạy long nhong suốt. Một đàn chim bồ câu ngủ ở trên cục điều hòa phòng mình, ị đầy ra ban công. Bãi cỏ bên cạnh cứ mỗi sáng lại có rất nhiều người ra ị, trông rất thiên nhiên. Sau đó còn có cả khỉ, cò và rất nhiều quạ lượn lờ ở đó nữa. Bãi cỏ phía trước thì có rất nhiều trâu và bò nhởn nhơ gặm cỏ. Chó rông cũng nhiều. cây cối thì 90% là giống ở HN, từ loại cây đến kiểu dáng xùm xòe như thế. New Delhi có rất nhiều cây, từ đường vào nhà là một khoảng cây rậm rạp nữa. Có rất nhiều khoảng cây bụi rậm rạp – là nơi lý tưởng cho các vụ hãm hiếp nhiều như rươi ở đây. Cảnh sát có ở khắp các góc phố nhưng tỉ lệ tội phạm vẫn cao. Đọc Delhi Times và India Times hang ngày thấy có rất nhiều vụ hãm hiếp hoặc đánh ai đó, bắn ai đó hoặc đổ xăng lên người để đốt ai đó đến chết thậm chí đó là 1 bà bầu 9 tháng! New Delhi quả là nơi không quá an toàn cho phụ nữ và người yếu thế.
Ở đây có một đặc điểm dễ nhận thấy là sự khác biệt giữa các tầng lớp rất lớn. người giàu có thể rất giàu nhưng người nghèo cũng nhiều vô kể. Người nghèo sống ở các khu ổ chuột khắp nơi, sống cả bên vệ đường, có thể chỉ có 1 túp lều thấp tẹt để chui ra chui vào, chẳng có một thứ đồ đạc gì khác. Trẻ con đứa nào cũng nhếch nhác, bẩn thỉu và bé tí tẹo, trông như còi xương suy dinh dưỡng nặng, trong khi mẹ thì to như gấu!
Còn cái áo truyền thống mà rất nhiều phụ nữ mặc hang ngày thì vải làm bằng toàn nilon để tạo độ rủ, tốn đến 5 met vải để quấn quanh người và đặc biệt nóng. Chả hiểu sao mà họ vẫn có thể mặc suốt năm suốt tháng trong cái thời tiết nóng ẩm thế này được?!
http://www.facebook.com/album.php?aid=31447&id=100000091215170&l=862daebb84

Ngày thứ 4 tai India - Thăm India Gate và Lotus Temple

Hôm nay là ngày lễ gì đó của Ấn Độ nên chỉ học buổi sáng. Sau bữa trưa cả lớp được đi thăm một số điểm thăm quan nổi tiếng của Ấn Độ.
Dọc đường đi có rất nhiều khu dân cư nghèo, chắc là rất nghèo vì nhà nhỏ xíu, bẩn thỉu, tạm bợ, thậm chí chỉ là cái lều cạnh đường. Cây cối ở đây rất giống ở HN, thậm chí từ cái cỏ, phượng, bằng lăng, vạn tuế, trúc đào, đại, cây cảnh, hoa sữa rất nhiều. Cây cối cũng lùm xùm y chang như ở HN, cứ chỗ nào ko có bê tong là đầy cỏ dại. Khắp nơi là quạ (Nepal gọi là lucky bird), chó rông cũng nhiều.
Đầu tiên là đến India Gate, một công trình tuyệt đẹp, gần giống như Khải Hoàn Môn ở đại lộ Champ Ellisee của Pháp vậy. Sau khi chụp ảnh tại India Gate, mọi người cùng đi đến President House và Paliarment house. Tòa President House là 2 tòa nhà giống hệt nhau đối xứng qua đại lộ. Gupat nói có tổng cộng 362 phòng trong tòa nhà đó. Trông từ xa tòa nhà tuyệt đẹp, hung dũng và nghiêm trang.
Hôm nay là ngày lễ nên có khá nhiều gia đình ra ngồi chơi tại bãi cỏ 2 bên đại lộ. Trẻ con ở đây đặc biệt trông rất gầy gò, hầu như ko thấy đứa nào có da có thịt chứ đừng nói đến béo phì, nhưng người lớn và nhất là phụ nữ thì so big, oh my God. Tại India Gate có 1 cậu thanh niên Ấn rất đẹp trai muốn chụp ảnh cùng mình. Sau đó tại Lotus Temple cũng có 1 nhóm gồm 2 nam và 1 cô gái Ấn yêu cầu chụp ảnh cùng mình, cậu bạn đó còn khen mình you’re so cute! Oh thanks. Họ hứa sẽ add facebook của mình nữa.
Rời India Gate là đến Lotus Temple – một công trình hoàn toàn bằng đá hoa cương trắng có hình bông sen với 9 water bodies around. Mọi người vào đây ko mất vé, nhưng có bị check qua bag for security reason! Sau khi vào đến ngần đền thì được yêu cầu bỏ hết giày dép và gửi ở dưới hầm, mất 10 ruppee/lần, bất kể bao tải to hay nhỏ! Lotus Temple cực đẹp, rất tĩnh lặng, mọi người bất kỳ tôn giáo, sắc tộc nào đều có thể vào đó để cầu nguyện bất cứ điều gì. Một công trình tuyệt đẹp, các chàng trai cô gái làm việc hướng dẫn du khách rất than thiện và cũng đi chân đất như du khách.
Ra khỏi Lotus Temple mình mua 2 bắp ngô nướng ở xe đẩy cạnh cổng hết 20 Rs, giá cả same same như HN. Sau đó xe đi thẳng về Campus mà không dừng lại siêu thị vì hết thời gian. Đi đến gần Noida thấy đường bị ngập y như ở HN. 2 bạn Costa Rica nói đùa là mình có thể bơi dưới đó.
Một bức ảnh cả nhóm được charge 50 rupee, mình rửa 2 bức ảnh chụp với Khan3 và 2 bạn Tanzania mất 60 Rp, sau khi đã bargain từ 80 rs xuống. Hic hic, kinh nghiệm hay giống ở VN.
http://www.facebook.com/album.php?aid=30360&id=100000091215170&l=f7ae830721

Ngày thứ 3 (1/9/2010) tai India

Bây h thì mình đã hiểu vì sao ở đây nhiều ruồi muỗi đến vậy! cả đêm hôm qua bị muỗi đốt nhay nháy. Từ tầng 4 nhìn ra bãi cỏ khá rộng bên cạnh campus thấy rất nhiều người (có lẽ toàn đàn ông) dùng bãi cỏ làm nhà vệ sinh. Hóa ra dân Ấn Độ cũng thích ị đồng như dân VN hồi xưa vậy, even in Capital! Thật đúng như 1 bài báo viết - Perhaps the only thing more difficult than to be indifferent to India would be to describe or understand India completely!
Đêm qua trằn trọc mãi mới ngủ được, nhớ bạn Ỉn và Ộp quá, không biết các bạn thế nào, có khóc gọi mẹ không. Bạn Ỉn còn bị viêm họng nữa chứ. Mà gọi điện về nhà mấy lần đều ko gặp, lúc nào cũng go out.
Cả ngày ko tập trung vào các bài presentation của các bạn được.
Bạn Cambodia nói khá dài và giọng run. Bạn Myamar nói chậm rãi, khá rõ. Bạn này đến sau cùng và có lẽ là người gầy gò nhất trong số những người trong lớp.
Các bạn gái từ Nepal, Sri Lanka, Costa Rica, myamar và 1 bạn Nam Phi đều single. Chỉ có mình và chị 40 tuổi Nam Phi và chị Fatima (Yemen) là có gia đình và có con. Cô bạn Tanzania nói là I can’t believe that you’re married and have 2 babies, you look so young! Thanks you. Many people say the same to me.
Dr. Raj nói rằng ngày mai là Independence Day nên mọi người được nghỉ buổi chiều, sẽ được đi tham quan New Delhi sau bữa trưa! Ok, hủy buổi hẹn go shopping hôm nay với cậu bạn Afganistan và các bạn Nam Phi vậy. Chờ đến ngày mai.
Nói chuyện với cậu Namibia thì thấy rằng qgia đó cũng khá phát triển, có cả Internet 3G, chả kém gì ở VN.
http://www.facebook.com/album.php?aid=30360&id=100000091215170&l=f7ae830721

Ngày thứ 2 (31/8) tai India

6AM bị đánh thức dậy để uống trà sữa được phục vụ mang đến tận cửa. Cái đất nước này kì cục thật, suốt ngày ăn với uống, chẳng khi nào họ để cho cái dạ dày được nghỉ ngơi gì cả. Thế là dậy luôn, ko ngủ thêm được nữa. Kripa vẫn ngủ ngon.
7AM lại có chuông cửa, cậu phục vụ đến lấy lại cup.
Sau đó 5 phút lại có chuông cửa. Thì ra 2 người dọn vệ sinh, 1 người cầm chổi quét, 1 người cầm xô nước và cây lau nhà. Trong khi người đầu tiên quét nhà thì người thứ 2 lau trong nhà tắm, chỉ lau sàn chứ ko cọ toilet – vì mình chả nhìn thấy dụng cụ nào khác ngoài cái cây lau nhà dài ngoằng. Bảo họ lau cái tường toilet giúp vì nó quá cáu bẩn. OK mem. Thank you! Lúc sau vào kiểm tra thì hóa ra cậu ý lau đúng cái mảng tường mình chỉ, còn các mảng khác vưỡn y nguyên. Kiểu này sáng mai lại phải yêu cầu lau hết vậy!
Những người phục vụ ở đây gồm bảo vệ, dọn vệ sinh, đầu bếp hình như là những người ở level thấp nhất ở India thì phải. Da họ ngăm hơn những người khác, gầy đét và khúm núm, đối ngược hẳn với những người như Dr. Raj – bụng bự, da sáng, cười suốt và tất nhiên là rất đẹp trai.
Viện có khoảng 20 người làm việc (tầng lớp cán bộ) nhưng chỉ có 1, 2 người phụ nữ. Còn những người phục vụ thì tất cả là nam giới – khác biệt hẳn với VN. 2 cô này mặc áo sari hở cả một khoanh bụng bự. Cái áo sari của người Ấn trông có vẻ kín đáo nhưng cũng rất sexy vì để hở da thịt vùng eo khá nhiều.
Dưới tầng 1 có 1 phòng giặt có 4 máy giặt lồng ngang nhưng chỉ có 1 cái hoạt động, mình chưa thử lần nào. Kripa nói sáng nay sẽ cùng đi giặt với mình. Oh, có thể sẽ là 1 kinh nghiệm hay nữa ở đây?!
Tivi trong phòng bé tẹo nhưng chưa bao h có thể bật để xem bất cứ cái gì. Lúc nào bật lên cũng thấy màn hình xanh lè – căn bệnh của Windows 2003 cũng lây sang TV ở đây sao?!
Nói đến nỗi đau khổ của mình là không thể access vào internet mặc dù có rất nhiều mạng wifi ở đây nhưng mạng nào cũng chỉ có 1 vạch sóng nên chẳng bao h connect được. Viện cũng có 1 phòng Lab gồm khoảng 30-40 máy tính nhưng chỉ có 2 cái hoạt động. Những cái khác rest in peace! Nhưng ngay cả phòng lab cũng ko vào mạng được, hỏi anh admin ở đó thì được trả lời là trouble line! Hic, chả hiểu một đất nước được mệnh danh là high tech, là biggest oursourcing trên thế giới mà lại có thể work without internet like that!
Tòa nhà làm việc của Viện được bố trí khá buồn cười. Phòng của Mr. Director nằm kẹp giữa 2 cái toilet, 1 của Gent, 1 của Ladies! Hic, mà nó nằm sát nhau nữa chứ! Thật khó hiểu.
Khắp các tầng ở khu làm việc đều có bad smell giống nhau, đặc biệt là khi mở cửa toilet, mùi như mùi thuốc diệt muỗi! Trong dining room lúc nào cũng thoang thoảng cái mùi đó, có lẽ họ phải xài chemical thường xuyên vì ở ngoài sân thấy có nhiều ruồi, muỗi kinh khủng.
Thang máy ở khu nhà ở thì thật dirty và bad smell, không hiểu mùi gì mà khó chịu thế cơ chứ! Mỗi lần vào thang máy là chỉ muốn nín thở chờ đến khi cửa mở để ra ngoài thở bù!
Vườn của viện cũng có trồng vài khóm hoa hồng và 1 loại hoa cánh nát nát màu vàng sậm – có vẻ như đó là 1 loại cúc thì phải. Đài phun nước thì chẳng có 1 giọt nước nào vì hình như các thiết bị đều hỏng, bong tróc nhưng ko có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ sửa chữa cả.
Xung quanh Viện là khoảng đất trống khá rộng, chỉ có cỏ dại, nên chỉ có thể ngắm nhìn cuộc sống hàng ngày ở ngoài qua cửa sổ. Khá nhiều nhà cao tầng, xe cộ đi lại miệt mài, chủ yếu là xe oto và tuk tuk.
ĐT di động ở đây khá rẻ, mua 1 cái sim từ anh phục vụ hết 250 rp, trong tài khoản có sẵn 150 rp (tầm 3,7 USD). Gọi 2 lần về VN + 1 lần nhắn tin về Tanzania cho cậu bạn hết 47 rp. Nhà mạng phổ biến nhất chắc là AirCel vì đi chỗ nào cũng nhìn thấy biển quảng cáo và quầy dịch vụ của họ. Mình dùng Vodaphone. Và cứ dăm phút lại nhận được 1 spam mess. hiện thẳng lên màn hình chứ ko phải bấm ok để mở mess như ở VN. Spam nào cũng mời game, quiz, info.,… mà có khi cũng nhiều tin lừa đảo như ở VN vì Dr. Raj cũng nói là carefull when click OK, maybe you will lose money for spam. Thanks sir!
À, còn 1 ấn tượng nữa là đàn ông New Delhi rất hay đi giày thể thao dù các viên chức ở Viện thường mặc quần tây. Trông khá out-of-fashion. Về khoản phục trang thì có lẽ đàn ông Hà Nội theo kịp thời đại hơn!
Mình mang theo mì tôm, sữa, ít lương khô và ruốc nhưng có lẽ chưa phải dùng đến vì lúc nào cũng full. Có khi sau 2 tháng ở đây mình sẽ tăng thêm dăm ba kg cũng nên?! Cậu Joseph (Sudan) khi thấy mình và 2 bạn Sri Lanka lấy có 1 tẹo đồ ăn, trong khi các big girl đến từ Châu Phi lấy đĩa đầy ú (và lấy vài lần chứ ko phải 1 lần) thì cậu ấy bảo là: Chúng mày eat nothing so you’re all slim! Hic, mình bảo yes, we want to keep slim, not big like them – chỉ sang các cô bạn South Africa! Hic hic…
Hôm nay sẽ là buổi Presentation about country, organization, yourself and your expectation. Mọi người được khuyến khích mặc national costume. Mình sẽ mặc áo dài màu vàng xem các bạn có lé mắt hay không!
Mất buổi sáng hôm qua ko nghe kịp các thầy nói gì, nhưng đến chiều thì đã có thể nghe Mr. Raj nói khá rõ vì đã “thủng” kiểu phát âm của người Ấn. VD: healthy = helli, time = taim, hic… Nhưng đem cái kiểu nói này mà nói cho bọn châu Âu thì có khi nó chả hiểu gì!
Bài presentation của mình được các bạn khen rất nhiều, (very interesting, charming dress, brief but enough information), nhiều hình ảnh sống động. Vì thế mà sau đó chỉ có vài câu hỏi về cách trồng cấy ở vùng núi. Mình show cho các bạn hình ảnh về ruộng bậc thang, sau đó mọi người đều cười vui vẻ khi hiểu về cách sống ở vùng núi như ở VN. Các bạn hỏi về bức ảnh Napalm girl, mình giải thích về US Bomb. Mất một vài phút postpone vì tự dưng bật khóc sau khi nghe bài hát Bonjour Vietnam và nói về lost and pain in the bitter war! Các bạn gái còn an ủi mình, đưa nước cho uống để be calm!
Khi nói về expectations about the course, mình nói rằng one of my expectations is improving my English, thầy Raj có nói: your Eng is very clear and maybe all people here can understand you easily! Don’t worry about that. Oh, thanks sir!
2 bạn người Nam Phi thậm chí còn chưa bao h sử dụng máy tính nhưng cũng cố mua 1 cái notebook để mang đi, mình có chỉ cho họ cách sử dụng một số ứng dụng, còn copy cho cả 1 list bài hát. Mời các bạn thử món ô mai mang đi và được khen ngon. 2 bạn Nam Phi nhất định bắt mình copy bài presentation vào máy của họ để họ có thể see later. 2 cô bạn Costa Rica nói mày gửi vào email cho tao nhé?
Sau bữa tối, 3 men from afganistan có nói rằng: tại sao mày lại nghĩ every Afgan people are terrorists? So sorry, just for fun, not serious. Và họ giải thích một hồi về cuộc sống của người Afgan, hóa ra cũng khá dễ chịu, giá cả rất rẻ, internet rẻ, điện thoại di động rẻ (supplier is Chinsese), 1 cái áo sơmi chỉ có 20 (rupee) = 0,5 USD! Too cheap! Rồi họ giải thích về cuộc cách sống, (thích cách sống kiểu phương tây), free marriage in cities. Anh bạn 27 tuổi mà già như 35 nói rằng, when you cry when you did your presentation, you make me cry, because you said about loses and pain made by American! The same with my country. Anh 37 tuổi nói ở Afganistan, mọi người coi Vietnam là champion vì đã won US army! And we respect your country! Thật cảm động với tình cảm của các bạn Afganistan! Qua họ mình hiểu thêm về cuộc sống ở đó, cũng khá hiện đại và dễ chịu chứ ko đến nỗi tệ như truyền thông của Phương Tây vẫn đưa tin. Các bạn cũng trầm trồ khen bạn Ếch Ộp so cute, so nice khi mình show ảnh của Ếch Ộp. Hầu như bạn nào cũng nói you look so young, I don’t believe you are married and have two babies! Oh, Thanks, I’ll tell my husband so he should be more carefull! He he…
Có 1 chi tiết khá thú vị là các bạn Afgan khi nhìn thấy bức ảnh gia đình mình có cái màn hình CRT thì bạn nói rằng: maybe 200 years ago! Hóa ra ở Afganistan chỉ xài màn hình LCD thôi, và họ xài từ lâu rồi. Giá máy tính ở Afganistan cũng rất rẻ so với VN! Oh, you’re so lucky! I want to go there to buy some phones and notebooks!
Ở đây Wifi thì nhiều nhưng ko có hoặc chỉ có duy nhất một vạch sóng nên không thể vào mạng. Chỉ có muỗi và ruồi là nhiều. Không có mạng thì cũng như người bị chặt chân, bịt mắt vậy.
2 ngày ở đây mà chưa ra khỏi cổng của Viện. Chiều nay vài người đã go shopping outside. Có lẽ chiều mai mình cũng sẽ thử go out để khám phá cuộc sống của người dân Delhi.

Buổi học đầu tiên tai NIESBUD (India)

Bữa sáng tự chọn từ 8.30-9AM, nói là tự chọn nhưng cũng chỉ có 1 món snack trộn sữa, 1 bánh gì đó như bánh rán chay nhưng to và mỏng hơn gọi là Chapati, bánh mì sandwich ăn cùng bơ hoặc mứt, 1 món gì sệt sệt như cháo màu vàng (ko dám thử) và trứng gà luộc! Khác xa những gì ở EDI mà các chị Thoa, Hoa, Ngọc kể! Mình chỉ dám ăn món bánh mì kẹp bơ và 2 quả trứng, ko có sữa nhiều như ở EDI. Vừa ăn vừa chào hỏi một số bạn đến từ châu Phi khá thú vị.
Giờ học bắt đầu từ 11AM! Mỗi học viên được cung cấp 1 cặp xách, schedule của khóa học, 1 sổ viết có mùi như mùi nước đái bò (!!!) và 1 bút viết. Đến 12AM lại nghỉ để dùng teabreak – có bánh gato, bánh gì đó màu vàng mà hầu hết mọi người đều bỏ lại, 1 loại bánh như bánh rán với nhân là khoai tây nghiền chấm với tương ớt, nước uống có Coca cola và một loại nước cam có vị rất kì cục. Hết 30 phút lại vào lớp học, rồi đến 2PM thì stop để have lunch. Mình cũng chỉ ăn được món mì xào, một ít rau xúp lơ xào vàng khè, 1 ít dưa chuột thái lát, mấy miếng thịt gà xào lõng bõng nước. Không có gì cay vì họ để ớt riêng bên cạnh, ai thích cay thì tự lấy ăn kèm! Vẫn món cơm giống buổi đêm – xin chào, chứ mình chịu! Cứ kiểu này có khi mình kiêng cơm luôn 2 tháng, chuyển sang ăn mì ống và bánh mì cho giống ở châu âu vậy!
Đến 2.45PM thì trở lại lớp học, học đến 4PM thì lại có teabreak tiếp, lần này chỉ có bánh quy và trà sữa! Hic, mình đã hiểu tại sao mọi người ở đây big đến vậy rồi! Hic … cảm tưởng như họ chỉ ăn và uống suốt ngày, chả có thời gian làm việc mấy! 4PM là kết thúc giờ học, ko biết có kết thúc giờ làm của NV công sở ko. Nhưng hôm nay bọn mình lại được gọi vào phòng để lĩnh Living allowances, mình được lĩnh 3.260 rp và một vài đồng xu, ko biết mệnh giá thế nào. Không biết họ tính thế nào mà 10.000 rp/tháng – 150 rp/ngày x 30 ngày/tháng mà lại còn có 3.260 rp!
Lớp mình hầu hết là các bạn đến từ Châu Phi, những nước nghèo của Châu Phi như Zimbawe, Tanzania, Kenya, Sudan, Costa rica, Congo, Mautitius, Gambia, Malawi, South Africa, Có 2 bạn đến từ Sri Lanka, 2 bạn đến từ Afghanistan, 2 bạn Nepal – trong đó có 1 bạn ở cùng phòng.
Nói thêm về cô bạn ở cùng phòng. Cô tên là Kripa, đến từ Nepal, làm việc tại ngân hàng. Cô trông sành điệu nhất trong số các bạn ở lớp, tủ giày của cô có 9 đôi giày cao thấp khác nhau. Máy tính của cô loại màn hình xoay cảm ứng, vừa mỏng vừa nhẹ. Bàn trang điểm của cô có chừng 20 loại mỹ phẩm, toàn của các hãng nổi tiếng! Túi xách của cô bằng da đắt tiền, trông rất long lanh (mình ko biết brand gì). Trước khi đi học, cô đứng trước gương trang điểm chừng nửa tiếng, mà chủ yếu là trang điểm cho đôi mắt thật thẫm, trông khá huyền bí và sắc.
Ngoài 2 cô bạn đến từ Costa Rica khá trắng trẻo thì có lẽ mình là người trắng thứ 3 trong lớp. Bạn Mashyo đến từ Tanzania nói mình là: you look like a fool (tiếng Hindi fool = flower)!!! Cậu Mashyo này khá active, hỏi thầy giáo liên tục và có khá nhiều ý tưởng hay, khi hỏi mấy cậu bồi bàn tiếng Hindi rồi học khá nhanh một số từ.
Bữa ăn của ngươi Ấn khá ít rau, nhiều tinh bột và ít thịt, suốt cả ngày chỉ toàn ăn thịt gà và trứng. Cậu bạn Vuthy (Cambodia) nói là we can fly after this course! Then we don’t need airplane, we can fly to home by ourself! Hic hic… I don’t want to be a bird!
Mot so anh co tai day:
http://www.facebook.com/album.php?aid=30211&id=100000091215170&l=9047972bba

Nhat ky Thailand - India

Ngày đầu tiên của cuộc hành trình.
Khởi hành tại HN lúc 9AM, đến sân bay Băng cốc là 11h kém 5”. Ấn tượng đầu tiên với sân bay Suvanabath là quá rộng lớn và hiện đại so với sân bay TSN và NB. Điền vào 1 form của hải quan Thái Lan là được đóng dấu immigration vào Thái Lan. Đi ra ngoài cửa ra thì thấy có 1 loạt các tourist bureau nên hỏi đại 1 cô, cô ấy nói chuyến bay tiếp theo của mày là 6PM thì có thể làm 1 city tour với giá 80USD! OK, thanks, I’ll find someone to share the fare. Thanks.
ĐI tiếp mấy counter nữa hỏi một bureau khác, cô này cực friendly, chỉ cho mình một tour vòng quanh Bangkok, thăm 3 chùa nổi tiếng nhất, với ô tô đón tận cửa ra, tourguide và sẽ để mình đón railway về sân bay. Total là 62 USD. OK, làm một tour 62 USD để biết thế nào là Bangkok.
Đợi một chút thì có 1 cậu điều hành xe dẫn ra tận oto, một bác tài già – 60 tuổi – rất vui tính, đưa mình vào centre point ở một khu chợ bán sỉ nổi tiếng – Khu Siam. Dọc đường đi, bác tài nói chuyện rất vui vẻ, nói tiếng Anh rất chuẩn. Đến centre point thì bác thả mình xuống cho cô tour guide tên là Noy, sau đó cô điều một xe khác đến và 3 người lên đường.
Địa điểm đầu tiên là chùa vàng – một địa danh quá nổi tiếng, Vé là 50 bath, nhưng chỉ mua thôi, chả ai check vé cả. Tại đây có một đoàn học sinh mặc traditional dress của rất nhiều nước khác nhau, các em đang tham gia 1 games show nào đó, vài cô gái mặc áo dài VN khi biết mình là người Việt thì rất vui vẻ take photos cùng.
Ra cổng mua 1 quả dừa xiêm ướp lạnh, 1 túi xoài xanh, 1 túi dưa hấu xắt miếng cho vào nilon giống như ở HCM. Total: 50 bath tương đương với 32K VND – rẻ.
Sau đó lên xe đến chùa Wat Pho – tên viết tắt chứ tên đầy đủ của nó dài lê thê ko thể nhớ nổi. Ngôi chùa này cực rộng, với 400 bức tượng phật ngồi được đặt ở xung quanh chùa. Và một tượng phật nằm cực lớn đâu đó hơn 40m. Tại đây, bạn donate some money và nhận một cái bát đựng những đồng xu nhỏ, sau đó mọi người sẽ bỏ từng đồng xu vào những cái âu đồng dọc theo hành lang. Âm thanh của những đồng xu rơi vào âu leng keng rất vui tai.
Tiếp theo đến chùa có cái tượng phật walking, còn được gọi là most beautiful buddar, vì tượng phật có hình dáng rất smooth, look like a woman! Ở cổng ngôi chùa này có xe đẩy bán xôi nướng khá lạ miệng, có vị ngọt của dừa và ngậy của khoai tây. Bên cạnh đó còn có xe đẩy bán các loại cá nướng – cá còn bơi trong xô để bên cạnh, bạn có thể chọn một con bất kỳ để cho người bán nướng trên than hồng rồi thưởng thức – món này không đủ thời gian để thưởng thức.
Sau đó xe đưa mình và cô tour guide về bến tàu railway, cô tourguide gợi ý việc tipping! Quả thực ko biết tip cho 2 người bao nhiêu là normal vì họ rất nhiệt tình và thân thiện trong suốt 3 giờ đồng hồ đi cùng mình, hỏi thẳng cô tourguide là bao nhiêu thì là popular. Cô ý gợi ý, 300 bath cho cô í và 200 bath cho anh lái xe. Cuối cùng thì do ko còn tiền lẻ nên tip cho cô tour guide 300 bath (10usd), cho anh lái xe 150 bath (5USD). Cô tour guide còn dẫn mình lên tận tầng 4 để đi railway ra sân bay.
Đợi chừng 10 phút thì railway đến. Đi từ đó về sân bay qua 8 điểm dừng, tàu khá đông người, chỉ có rất ít người được ngồi, còn lại phần lớn phải đứng. Đang trong thời điểm promotion nên vé chỉ có 15 bath. Nhưng cũng như những điểm tham quan ở các chùa, khách mua vé trước khi vào chùa hoặc lên xe mà không có người kiểm soát vé như ở VN – điều đó chứng tỏ dân Thái rất tự giác trong việc sử dụng và hưởng thụ các dịch vụ công cộng.
Sau nửa tiếng thì railway về đến sân bay. Mình cuống cuồng đi tìm cái bàn của đại lý du lịch đã gửi đồ hồi trưa, tìm mãi ko biết nó nằm ở đâu vì sân bay quá rộng, lại có tận 4 tầng mà mình chẳng nhớ nó ở tầng nào! Hỏi qua hang chục bàn hướng dẫn lẫn tourist information mới tìm ra họ. Phải chạy thật nhanh để kịp giờ check in. Finally cũng tìm thấy họ ở tầng 2. Hú vía nhưng cũng được 1 bữa mỏi nhừ chân vì chạy trên giày cao gót! Đến khi lên tầng 4 – departure thì ko biết mình sẽ phải check in ở quầy nào, lại hỏi airport information – họ chỉ cho mình ở hàng P – lúc đó đang đứng ở hàng D! Oh my God, từ hàng D đến hàng P phải mấy trăm mét, còn cả chiều dài cái terminal của nó có khi đến hàng km! Mỗi hang lại có khoảng 20 quầy làm thủ tục. Rất may là ko phải chờ lâu, làm thủ tục cũng khá nhanh, qua kiểm tra hải quan cũng nhanh nhưng security check giữ lại của mình cái tube kem đánh răng do vượt quá trọng lượng (110gr). Sau đó, trước khi lên máy bay còn bị security check lần nữa, lần này là check từng cái túi xách, body scan với 2 cô hải quan nữa! Mình hỏi cô hải quan là do the same with other flight ko thì được trả lời họ chỉ làm thế với một số flight đến một số quốc gia ở Trung Đông! – for your safest, mem! Hic,,, đi cùng với các bạn có tai tiếng về terrorist này mất thời gian thật!
Chỉ có mấy tiếng ở Thái lan nhưng khá dễ chịu vì ai cũng thân thiện và cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ nếu bạn hỏi. Chắc chắn một điều là người Thái làm du lịch rất tốt, họ để lại ấn tượng tốt với du khách. Các đền chùa rất đông khách nhưng rất ít guard và rất sạch sẽ, không hề có rác, không khói hương ngào ngạt như ở VN, mọi người bỏ giày dép ở các kệ bên ngoài trước khi vào bên trong chùa. Nhưng có một điểm chung là chùa có rất nhiều Donation box, xếp hàng xung quanh chân tượng. Sau đó họ dùng tiền mọi người donate để sửa sang tu bổ cho ngôi chùa luôn luôn good condition. Nếu có cô khách Tây nào mặc quá ngắn thì sẽ có ngay 1 anh guard ở đâu đó quấn cho một cái khăn choàng quanh eo dài đến quá gối trước khi vào chùa.
Bay với Jet Airway từ Bankok đi New Delhi khá dễ chịu, mấy cô cậu tiếp viên cực kỳ đẹp trai, xinh gái, thân thiện và nhiệt tình. Chỉ có mỗi món ăn trên đó là dở - mình ko thể ăn được gì ngoài vài viên dưa chuột và một chai nước! Sau đó mr bụng to ngồi bên đã ăn giúp đĩa cơm – vừa ngọt ngọt, vừa có mùi như nước hoa, lại còn khô cong queo nữa chứ! Thật kinh khủng!
Bay từ 18.25PM (giờ BK), đến sân bay Mahatal International Airport mất 4.35 phút, hạ cánh lúc 9PM giờ New Delhi, làm thủ tục check out mất 30 phút. Từ cửa vào đến cửa ra check out chắc phải hàng km thì đủ thấy sân bay này rộng thế nào! vừa mệt vừa đói vì cả ngày có mỗi bữa mì trên máy bay của VN Airlines nên cảm giác muốn xỉu. Check out xong thì đi tìm hành lý ở một băng chuyền hình oval to to là – So với ở Nội bài hay TSN thì nó cứ phải gấp dăm lần. Sau đó hành khách tự đẩy hành lý ra cửa mà chả có kiểm tra luggage code gì hết. Đẩy ra đến cửa thấy cả một hàng dài người chờ với biển tên trên tay nhưng đi một dọc mà không thấy cái biển tên nào của mình! Hơi chột dạ nhưng cũng đi ra ngoài thì có 1 mr chạy đến giơ tờ giấy có ảnh của mình ra – hóa ra mr. ấy ko viết tên ra cái biển như những người khác mà mr. ngó từng hành khách ở cửa ra rồi đến gọi! Sau đó mr. ấy bảo mình ngồi chờ ở waiting room để đi tìm 1 partner khác từ Campuchia! Chờ chừng 1 tiếng thì Vuthuy ra.
Ra quầy đổi tiền có 2 anh đẹp trai mặc đồng phục áo sơ mi vàng trực. Đầu tiên mình bảo đổi 10 USD, anh chàng bảo nếu đổi 10 USD thì tỉ giá chỉ là 20 rupee = 1USD. So low! Sau đó mình đổi 20 USD, họ tính tỉ giá 43 rp = 1 USD nhưng charge VAT và phí phục vụ hết đâu đó 170 rupee, cuối cùng còn 700 rupee, tức là tỉ giá còn 1 USD = 35 rp! Ôi chúa ơi, cái đất nước này kỳ lạ thật. Trong khi ở Thái Lan chả mất phí đổi tiền, cũng chả bị tính VAT! Hic, kinh nghiệm nhớ đời làn nên đổi tiền luôn ở VN!
Sau đó ra ngoài car waiting lane để chờ xe đến đón – đoạn đường này cũng khá dài nhưng sạch sẽ và an toàn mặc dù sân bay vẫn under contruction. Lại chờ mất tầm 1 tiếng nữa mới thấy xe đến! Leo vào cái xe như cái chuồng lợn với cái mùi kinh khủng mà nếu có gì trong bụng chắc mình đã Liverpool ra hết. Đi được 1 lúc thì lại quay sang Domestic Airport để chờ thêm 2 partner từ Sri Lanka sang. Mất thêm 1 tiếng nữa ở ngoài đường, ngắm xe chạy và bò đi lông nhông, đái ỉa ra đường, nằm ngay vệ đường để ngủ, xe ôto phải tránh bọn chúng. Sau đó mất 1 tiếng để về đến Campus! Xe chạy bạt mạng cảm giác như sắp đâm vào các xe đằng trước làm mình phải nhắm mắt lại ko dám nhìn! Vào đến Campus là 1h kém 15’ AM! Gọi cửa mãi mới có Administrator ra mở, nhẩn nha dở sổ để điền thông tin vào 2 quyển sổ, 1 cho bảo vệ cổng và 1 cho admin. Ngồi chờ tiếp nửa tiếng vạ vật ngoài hành lang. Sau đó được dẫn vào dining room, nhưng không thể nuốt nổi một thứ nào từ những món họ chuẩn bị! Cứ như cái gì cũng được ướp nước hoa, cơm thì khô cong, hạt nào ra hạt nấy! Sau đó, được admin dẫn lên tầng 4, gọi cửa một lúc cô gái trong phòng với ra mở cửa – có lẽ cô ngủ quá say!
Phòng có 2 giường, 2 tủ đứng nhỏ, 2 bàn, 4 ghế, 1 cái bàn nhỏ, 1 cái bàn nữa có 2 ngăn để đựng giày, toilet ở trong cùng. Mình nói cô í cứ ngủ tiếp, còn mình chỉ kịp vào rửa mặt qua loa, thay đồ, dỡ mấy thứ ra khỏi túi rồi lên giường. Too tired, exhausted! Ấn tượng ban đầu là khá thất vọng với căn phòng vì nó quá bẩn, nước từ điều hòa chảy lép bép ra sàn, nhà VS bẩn cóc cáy và cách bố trí kì cục! Có lẽ phải đi mua vài món đồ cọ rửa và chai nước cọ toilet về để tự cọ vậy! Chứ nếu để như thế này chắc ko chịu nổi 2 tháng ở đây mất! Nhưng học viện nằm khá tách biệt với khu dân cư nên ko biết sẽ đi mua đồ như thế nào đây!
http://www.facebook.com/album.php?aid=30210&id=100000091215170&l=6e96bcc1bc