Trang

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Điên đầu vì lớp 1



Chuyện là bạn Ỉn đã học được quá nửa năm học đầu tiên mà cả nhà cứ như chiến trường vì mỗi chuyện học của bạn.
Từ tháng 3 năm ngoái, tức là trước nửa năm, bố mẹ đã phải đi một lượt các trường cấp 1 trong vòng bán kính 5km kể từ nhà. Đi tăm tia hết các trường xem cơ sở vật chất, sân chơi, vị trí và độ hot của các trường. Mãi rồi cũng quyết định sẽ xin cho bạn vào trường HD ở cuối phố. Cả 2 bố mẹ cùng thống nhất cái rụp ngay sau khi đến thăm trường – vì so với các trường khác quanh đó thì trường có cái sân rất rộng, có cả xích đu, cầu trượt cho con chơi, lại còn có 1 khoanh đất nện để các con chơi đá bong hoặc bắn bi nữa (!). Nghĩ là ở cấp 1, con cần được chơi nhiều, hoạt động thể thao ngoài trời nhiều sẽ có lợi nên mẹ bắt đầu ướm hỏi các mối quan hệ để có thể xin cho con vào đó. Rồi thì may mắn thay, lại nhớ ngay ra bác T. cũng có con gái đang học ở đó, mà bác T lại còn có mối quan hệ với cô HT trường. Nhờ vả bác T, bác cũng phải chạy đi chạy lại mấy lượt, rồi đúng hôm nộp Hồ sơ thì cả nhà lại đi du lịch nên bác cũng mất cả buổi chiều phải nghỉ làm để chờ nộp hồ sơ cho con. Bác lại còn phải “văn hay chữ tốt” viết cho con 3 cái đơn và cam kết thì hồ sơ trái tuyến của con mới được duyệt (Hic, đấy là quan hệ than thiết với HT mà còn phải thế!). Rồi bà ngoại thì ngồi chờ nộp tiền đóng góp trái tuyến mà cũng mất nửa ngày! Bố mẹ thở phào khi biết con đã được nhận vào trường điểm QG!
Đầu tháng 8 con bắt đầu đi học hè. Con học lớp cô HV – một cô giáo được một số mẹ trên vWTT ca ngợi, mẹ đọc thong tin trên đó tưởng bở, cứ mừng thầm mãi, là không nhắn nhủ gì mà con lại được xếp vào lớp cô HV đó! Mẹ xem danh sách lớp, trời ơi, hoa mắt, 59 cháu! Mẹ gặp cô giáo HV, mẹ lại choáng – cô nhỏ bé, nói thì thào, chân cô khó đi lại. Mẹ, lúc đó, nghĩ là cô thật giỏi giang lắm mới dạy dỗ được 59 đứa tiểu yêu như thế, mà lại có tiếng dạy tốt thì chắc cô phải là superteacher!
Con học hè nên chỉ học nhẹ nhàng, chưa chấm điểm, chưa phải học đủ các môn tự nhiên, xã hội, đạo đức, thủ công… Con cũng được chơi nhiều nên mẹ cũng thấy yên tâm.
Mẹ đi vắng 2 tháng, cuối tháng 10 mới về. Ngày khai giảng đầu tiên ở trường tiểu học của con mẹ không thể đưa con đến trường. Tất cả mẹ chỉ được nghe mô tả qua skype và Yahoo. Ở nơi xa, mẹ còn được nghe con kể con học đá bong, học đàn, học vẽ… nghe có vẻ rất hấp dẫn. Rồi mẹ về. Trong lúc chưa đi làm lại thì mẹ đưa đón con đi học. Mẹ hớn hở mang quà tặng cô giáo con, một món quà có nguồn gốc Kashmere – đúng là mẹ đôi khi cầu kỳ vì hay đặt quá nhiều tâm huyết vào những món quà cho người khác. Mẹ trịnh trọng mang tặng cô giáo con, giới thiệu là em vừa đi… về, có món quà nhỏ tặng cô, chúc cô… chưa kịp nói hết câu cô giáo HV của con đã dung 1 tay “giật” lấy món quà, “vứt” lên bàn rồi quay mặt đi, không một cái nhìn, không một lời cảm ơn! Mẹ đã giận run lên, mặt đỏ bừng, cố kìm lại và đi một mạch ra ngoài. Con biết ý xách balo lẽo đẽo theo mẹ ra cổng. Quá thất vọng với cách xử sự mất lịch sự của cô giáo!
Chưa hết, một hôm khác, bố nhìn thấy cô ném quyển vở vào mặt một bạn học thêm sau giờ với cô mặc dù bố đứng ngay ở cửa lớp! Còn rất nhiều lần khác, theo lời bố kể, trong 2 tháng đầu tiên bố đưa đón con, cô nhờ vả bố mấy việc như sửa cái tủ đồ… bố đã cố gắng nhã nhặn hết sức nhưng cô giáo cũng không ít lần nói trống không với bố. Bố bảo rằng: cô ít tuổi hơn mình nhiều mà nói cứ như là mình không có tí tôn trọng nào hết. Hic, một người polite kiểu Pháp như bố mà còn được cô đối xử như thế, không biết các phụ huynh khác bị cô đối xử ntn.
Hết học kỳ 1, ban đại diện phụ huynh gửi cho mỗi cháu 1 bảng thống kê chi tiêu. Đọc xong mẹ hoảng hết cả người – lớp 1 mà có 4 tháng các vị ấy tiêu hết gần 100 triệu! Tất nhiên là tiền đó chia đều cho các cháu và bố đã đóng góp hết trong thời gian mẹ đi vắng. Lần nào đóng góp cũng được phát 1 tờ cam kết tự nguyện, rất chặt chẽ, rất tự nguyện và đố ai claim gì được! (Gì thì gì, đã ký vào cái giấy tự nguyện rồi thì còn nói sao được nữa!).
Con thì vẫn mải chơi, lại không đi học viết từ tháng 3, tháng 4 như các bạn nên chữ viết còn xấu và chậm so với bạn khác. Con cũng mải chơi nên hay nói chuyện trong lớp. Cô đứng ở trên bục, cầm phấn phi vào mặt con! Con về nhà kể lại, mẹ lại thấy ruột gan lộn xộn!
Con có thể làm phép tính cộng trừ sai, thỉnh thoảng, do ẩu và hấp tấp, mẹ biết, nhưng sao cô không khuyến khích con tập trung để làm tốt hơn mà cô lại nói là “nó cẩu thả” lắm với giọng điệu khinh khỉnh. Cô có biết những lời nói, những cử chỉ của cô có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm hồn non nớt và thái độ đối với việc học của các con không?
Rồi mấy lần khác, mẹ ngồi chờ con học đá bong. Con bé hạt tiêu nhất lớp, phần lớn là các anh lớp 2,3,4 to khỏe. Bố mẹ đăng ký cho con học với mong muốn rằng con có dịp vận động chân tay chứ không mong con thành cầu thủ. Thầy giáo dạy thể dục quát mắng các con rất nhiều, dung các từ bậy, gọi các con là thằng nọ, thằng kia… nghe rất vô văn hóa. Khi các con được xếp hàng để đá bong vào gôn, con đá trật ra ngoài, theo mẹ là cả có vấn đề gì, vì con tập chứ đâu có thi thố gì, nhưng thầy giáo con lại quát mắng. Hình như cả thầy dạy thể dục lẫn cô giáo chủ nhiệm con đều không được học cách khuyến khích trẻ - một điều quan trọng đối với giáo dục bậc tiểu học (mà chả riêng bậc tiểu học, các cấp học khác đều cần motivate hết!).
Sau rất nhiều ức chế, mẹ đã từng có một vài ý định nọ kia, nhưng cuối cùng thì bố mẹ lại quyết định chuyển con về trường làng ở gần nhà. Phần vì có thể đi bộ đến trường, phần vì mong muốn là trường làng sẽ ít áp lực danh tiếng hơn trường dán mác “trường điểm quốc gia”.
Sang học kỳ 2, con được học cùng bạn Sâu con – là bạn ở Khu tập thể nhà ông bà ngoại. Con vẫn chưa sửa được cái tật nói chuyện trong lớp và chưa được “ngoan hiền” như các bạn. Tuy nhiên, con đã tiến bộ rất nhiều. Bố vẫn bảo là mới “vỡ ruột” 5 tháng mà đọc được cả truyện cổ Grim thì các cô giáo và cái chương trình học tiểu học của VN đúng là vô địch! Nhưng, lại nhưng, bố mẹ lại đau đầu về cái việc luyện viết chữ. Chưa thạo chữ thẳng đã phải học viết nghiêng. Chữ đơn giản còn khó, bây giờ chương trình lại bắt viết cái chữ xoắn như rau muống chẻ! Không hiểu thời nay còn có ai ngồi viết giấy khen, bằng khen không mà các nhà GD lại bắt trẻ con phải học viết cái kiểu chữ rổi rắm đó. Con còn 16 năm nữa sẽ tốt nghiệp đại học, lúc đó hẳn công nghệ đã phát triển hơn rất rất nhiều, chắc chả còn ai ngồi viết tay nữa! Vậy thì cái ứng dụng của lối chứ rối rắm, khó đọc, khó viết mà các con phải tập viết bây giờ có còn hay không? Tại sao các bác ấy lại có thể cổ hủ hóa việc học của các con như vậy?! Đúng là lắm chữ có khi lại bị hoang tưởng! Các bác đưa ra cái chương trình học lớp 1 của con đáng bị đi cải tạo lại! Sao họ không nghĩ đến việc thay vì bắt trẻ con ngồi luyện viết chữ “dây muống chẻ” đó 2-3 tiếng/ngày thì hãy giành thời gian đó dạy cho trẻ  biết tìm ra logic của một bức tranh, biết phân biệt những đồ vật không cùng nhóm với các đồ vật còn lại, biết là nếu gặp đám cháy thì phải làm gì, nếu gặp động đất phải làm gì… (những thứ này không chắc cô giáo con có biết hay không nữa!).
Thật buồn cho các nhà GD “loạn chữ” và cũng thật buồn khi con phải học cái chương trình do các bác ấy soạn ra.
Có cách nào không nhỉ? Chắc chỉ có cách di cư????

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Văn minh và "quy chế thanh lịch"!!!

1. Đọc bài  này mà thấy buồn cười với những người rỗi hơi, nhàn cư vi bất... minh mẫn! Chưa bao giờ có nơi nào xây dựng cái quy chế thanh lịch rồi bắt những người dân của mình phải sống theo quy chế đó! Người ta thanh lịch hay văn minh là do người ta học hỏi, sàng lọc tichs lũy kinh nghiệm mà có. Cái gì chứ riêng thanh lịch thì không thể bắt ép được, nó có cái gì đó mang tính tự thân, mang tính cá nhân chứ không phải do bị ép buộc!
2. Sáng đi làm phải ghé vào đổ xăng ở Kim Mã. Một nàng xinh tươi, có lẽ tầm 25 tuổi, đi xe ga đẹp, quần áo đẹp, giày đẹp, chân đẹp. Nhưng nàng làm mọi người nhức mắt, mình đã định nói một câu nhưng vì nàng ở line phía ngoài nên thôi. 
Đầu giờ sáng rất nhiều người đổ xăng, ai cũng vội đến sở, ai cũng muốn được đổ xăng thật nhanh rồi vù đi. Nhưng nàng thì khác. Đến lượt nàng được bơm xăng, nàng từ từ mở cốp, lúc bơm xong, nàng từ từ, cẩn thận, nhẩn nha đóng cốp xe, nhẩn nha mở ví tiền, nhẩn nha tìm kiếm một tờ trong số một loạt các tờ tiền loại 200 ngàn! Quái, tiền mệnh giá giống nhau thì việc gì mà phải lựa chọn! Rồi cuối cùng nàng cũng chọn được 1 tờ đưa cho anh nhân viên của trạm (có lẽ nàng chọn cái seri xấu xấu để trả chăng?!). Nàng nhận tiền thúi, từ từ nhét trả vào ví, từ từ cất ví vào túi xách, từ từ cắm chìa khóa, từ từ bấm tay ga và rất điệu đàng vù ra phía Giảng Võ! Dòng người chờ phía sau ai cũng sốt ruột, ai cũng có vẻ căng thẳng vì sợ trễ giờ làm. Còn nàng chả việc gì phải vội, nàng thản nhiên coi như chỉ có mình nàng là khách đổ xăng, nàng thích chần chờ bao lâu cũng được. Nhìn cái thái độ coi thường và làm phiền người khác của cô gái xinh đó thì đúng là như nhận xét của GS Tuấn: "Từ những thái độ kẻ cả, cách ăn nói hống hách, cái nhìn khinh bỉ người thấp hèn, đến dáng đi cho thấy họ xuất phát từ một cái phông nền văn hóa và đạo đức thấp.  Tất cả những cái đắt tiền được trang bị phía ngoài hình như chỉ để phô trương, để học làm trưởng giả, chứ không đủ che kín được bản chất nhà quê". Mình thì không đánh giá là quê hay tỉnh, chỉ đánh giá là không văn minh, dù có thể họ nhiều tiền, có gì đó giống giống với cái sự trưởng giả của vô số người lắm tiền bây giờ. 
3. Tiệc buffet bây giờ khá phổ biến chứ không như 7,8 năm trước và có lẽ ít ai ở thành phố mà chưa từng một lần ăn tiệc tự chọn. Nhớ hồi đám cưới, do anh xã làm trong ngành dịch vụ, làm việc với Tây lâu năm nên chọn làm tiệc buffet. Tất nhiên bạn bè của ổng thì quá quen với kiểu ăn đó. Còn mấy bạn mình thì hầu hết là lơ ngơ,  ngượng ngùng nên cả buổi chỉ đứng một góc, chả dám tự lấy đồ ăn. Nghe đâu sau đó cả hội rủ nhau đi ăn phở! 
Thái độ với thức ăn cũng phản ánh độ văn minh của bạn
Nhưng ngược lại, bây giờ đi ăn tiệc tự chọn thấy khó chịu với các "trưởng giả" lắm tiền, cứ tưởng trả tiền 1 lần rồi muốn phung phí bao nhiêu đồ ăn cũng được, không ai dám kêu ca! 
Năm rồi ăn tiệc với công ty cũ, nhân dịp tổng kết năm được tổ chức tại 1 nhà hàng lớn ở Hồ Tây. Mấy cô em xinh tươi và cả mấy em trai đẹp, trông thì bóng bẩy lượt là thế mà cứ lấy hết đĩa nọ đầy u đến đĩa kia đầy ụ vào bàn. Mình nhìn cái kiểu lấy đồ ăn của các "bé" mà muốn ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái. Rồi thì các "bé" gẩy gót vài miếng, lựa vài thứ rồi bỏ! Người phục vụ đến thì chất luôn cả cái đĩa còn đầy ú đồ ăn đó vào khay đồ thừa. Rồi lại tiếp tục lượn ra khu đồ ăn, lại tiếp tục bê các đĩa, các tô khác vào, với cùng một số lượng như thế rồi lai bỏ đi nhiều như thế! 
Vừa rồi đi đám cưới cô bạn du học Mỹ về, đám cưới cũng tổ chức tiệc đứng ở một nhà hàng ấm cúng và giản dị, khách mời là rất nhiều người nước ngoài, nhiều người làm ở các NGO, rồi ở Unesco, chỉ có một số ít bạn bè của cô dâu chú rể... Ngồi cùng bàn với mấy người bạn cũ hồi ĐH, cũng có mấy người du học châu Âu về. Nhưng hỡi ôi, tưởng rằng bạn du học châu ÂU mấy năm, đi khắp loạt các quốc gia văn minh nhất nhì thế giới thì bạn có cách ăn buffet văn minh hơn. Ai dè, nhầm tai hại, thất vọng tràn trề! Bạn cũng lấy đĩa đầy ú, lấy một seri đồ tráng miệng vào bày ra bàn. Rồi thì bạn cũng chỉ có thể ăn được phần nào trong đó, còn lại bỏ hết! Trong khi mình phải cố lấy nước soup chan vào đĩa cơm rang của cô bạn khác  để ăn cho đỡ phí. 
Cái thái độ với đồ ăn cũng là một thước đo của sự văn minh. Khi bạn ngồi ở mâm cao cỗ đầy, bạn có tưởng tượng được rằng còn rất nhiều người đói khổ ở bên ngoài, họ chỉ mong có 1 bát cơm cho ấm lòng, một tấm bánh mình cho ấm dạ. Bạn có biết để làm ra một bơ thóc, người nông dân phải vất vả nắng mưa rét buốt ntn không?! Vậy thì, nếu vẫn còn lãng phí thức ăn, bạn thử "văn minh" hơn đi nhé!

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

Nhật ký công nương xứ Amazon

Lẽ ra phải viết là Nhật ký  tiểu thư Ếch Ộp, nhưng mẹ quyết định đổi là Nhật ký công nương xứ Amazon vừa là nick name thứ 2 của con vừa câu khách nữa chứ!
Ngày... tháng 1 năm 2011
Khi nghe bố mẹ nói chuyện về đám cưới của cô Hoa - đám cưới mà chỉ có 2 mẹ con đi dự, một đám cưới cực kỳ vui vẻ, ấm cúng và đơn giản - con hỏi bố: "Ông T.béo ơi, đám  cưới mẹ Hạnh bố có đi không?!". Cả nhà cười bò.
Ngày .... tháng 1 năm 2011
 Sau khi xem phim Tây Du ký thì cả con và anh Ỉn đều mê mẩn bộ phim này (Giống mẹ hồi nhỏ!). Sau đó Ộp chỉ thích làm Yêu quái thôi (vì yêu quái nào cũng xinh đẹp cả!), Ộp bảo mẹ là Đường Tăng, Yêu quái thích ăn thịt Đường  Tăng này, gru gừ .... (nhe răng ra dọa)
Ngày ... tháng 12 năm 2010
CN này mẹ đi thi, chỉ có Ộp và Ỉn đến nhà bà ngoại. Gặp cậu Q., cậu hỏi mẹ Hạnh đâu? Con trả lời: Mẹ đi thi hoa hậu ạ.
Ngày... tháng 11 năm 2010
Con thích buộc tóc, không chỉ cho mình, mà còn buộc cả cho mẹ, cho bà, cho bác Thanh. Sau một hồi xoắn, buộc, bặm môi trợn mắt, con đã hoàn thành xong 2 bím tóc cho mẹ, là như thế này:

Mẹ dress up để go out vì có một cuộc hẹn bên ngoài. Ộp đang ngồi ở bàn ăn sữa chua. Ộp thấy mẹ đi qua, khen: Hôm nay mẹ xinh đẹp thế! (Mẹ phổng mũi!).
Con thích các thứ phụ kiện đầy màu sắc!!!
 Ngày... tháng 11 năm 2010
Suốt ngày con chỉ thích làm điệu. Ngày chủ nhật ở nhà, con tự lấy váy trong tủ ra mặc. Một lúc lại thay 1 cái. Tổng cộng con thay khoảng 5 cái váy trong 1 ngày. Bố bảo độ điệu của mẹ là 1, của con là 10!
Ngày... tháng 11 năm 2010
Con thích xem các chương trình thi hoa hậu hay người mẫu. Bố tranh thủ nịnh con uống thật nhiều sữa và phomai thì sau này chân mới dài để đi thi hoa hậu được. Mỗi ngày bố còn nắn chân con 3 lần nữa chứ! Không biết cái "bắp ngô" đó có dài ra được mét sáu không đây!
Ngày... tháng ... năm 2010
Con thích làm người mẫu. Con thích quấn tất cả các khăn tắm, khăn đỏ, kẹp quần áo vào người và đi uốn éo như các cô trên TV. Kết quả là thế này:
Một pha biểu diễn của công nương xứ Amazon



Điểm 10 về độ điệu

Khi công nương ngơ ngác
Ngày... tháng .. năm 2010

Bố T. chính thức gọi con là Công nương xứ Amazon vì da con không có trắng như anh Ỉn, con lại thích ăn xoài non chua ngọt và gặm xương gà!







Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

Kinh nghiệm làm việc với người Ấn Độ


"Namaste" - Kiểu chào truyền thống của người Ấn
Chào hỏi, làm quen
Thường lệ chỉ cần bắt tay khi chào hỏi, nhưng không quá chặt. Bắt tay quá chặt ở Ấn Độ bị coi là thiếu lịch sự. Ở phía Bắc (như Delhi), khi chắp hai bàn tay lại như để trước ngực, hơi cúi đầu và nói:  Namaste J được coi là rất coi trọng đối tác. Từ "Namaste" xuất phát từ tiếng Phạn có nghĩa là "Tôi tôn trọng tinh thần của bạn".
- Không nên bắt tay phụ nữ.
- Nên để chủ nhà giơ tay ra bắt trước.

Những tiếp xúc đầu tiên thường chỉ là chuyện không đầu không cuối vì người Ấn Độ rất đa nghi và thường để ý ngay từ đầu để đánh giá đối tác có đáng tin cậy không. Họ thường nói chuyện về gia đình. Bạn đừng ngạc nhiên khi người Ấn Độ tìm hiểu tỷ mỷ về gia đình bạn, đã kết hôn chưa hoặc có phải đã ly hôn không, con tên là gì, vợ hoặc chồng năm nay bao nhiêu tuổi. Cho nên nhiều khi đem ảnh gia đình theo lại có tác dụng tốt cho bàn bạc chuyện làm ăn. Cricket bao giờ cũng là chủ đề thích hợp cho mọi dịp tiếp xúc với người Ấn Độ vì đó là môn thể thao rất được ưa chuộng ở nước này.

Đàm phán


Các cuộc đàm phán thường bắt đầu bằng những chuyện ngoài lề, uống chè hoặc cà phê ngọt, nhiều sữa. Sau đó là những cuộc đàm phán được chuẩn bị chi tiết như thể vở diễn trên sân khấu. Ban có thể thẳng thắn lập luận, vặn bẻ số liệu hay đề nghị mời chào của đối phương, nhưng không bao giờ được tỏ ra là mất bình tĩnh. Rất hiếm khi người Ấn Độ có chương trình nghị sự định sẵn cho cuộc đàm phán và điều quan trọng nhất bao giờ cũng được để ở cuối cùng. Đàm phán thường kéo dài và mất thời gian.  Người Ấn Độ cho rằng nếu đạt kết quả nhanh thì việc đàm phán, thỏa thuận có gì đó không ổn.

Đồ uống

Đồ uống rất được ưa chuộng ở Ấn Độ, đặc biệt là bia, gin tonic và whisky. Người thuộc đẳng cấp cao nhiều khi không uống rượu. Trong bữa ăn không dùng đồ có rượu.

Ăn tiệc

Nhiều người Ấn Độ ăn bằng tay, nhưng chỉ khi ở nhà trong gia đình. Khi ăn tiệc với bạn hàng thì thường dùng dao, thìa, dĩa. Do có nhiều tôn giáo khác nhau nên cách thức chế biến món ăn ở Ấn Độ rất khác nhau. Đồ ăn chay và nước hoa quả thì ở chỗ nào cũng thích hợp.

Mời

Người Ấn Độ rất thân thiện và việc mời nhau đi dự tiệc riêng tư thường được coi là biểu hiện của mối quan hệ đối tác tốt đẹp. Bạn không đươc từ chối những lời mời như vậy. Bữa ăn thường rất muộn, sau các thủ tục và nghi lễ đón tiếp cầu kỳ và kéo dài, vì thế bạn không nên để bụng đói đến dự tiệc. Sau món tráng miệng là thời điểm phải cáo từ ra về, ở lại lâu hơn bị coi là thiếu lịch sự.

Quà tặng

Khi được cá nhân mời thì quà tặng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Người Ấn Độ đặc biệt thích và đánh giá cao những món quà có liên quan đến quê hương của người tặng quà. Bạn nên gửi kèm theo một danh thiếp hoặc bưu thiếp vì nhiều khi quà tặng không được mở trước mặt người tặng quà.

Trả lời

Không phải cứ trả lời “Vâng” có nghĩa là đồng ý. “Vâng” cũng có thể có nghĩa là “Tôi không biết”.  Thậm chí nếu nói “vâng” với biểu hiện ngần ngại thì còn có thể bao hàm ý “Không”. Để tránh hiểu nhầm, bạn không nên đặt những câu hỏi để có thể trả lời hoặc phải trả lời với “Yes” hoặc “No”. Người Ấn Độ gật đầu tức là "No", còn lắc đầu nghĩa là "Yes" - Ngược với cách của người Việt nên bạn nên ghi nhớ điều này để tránh nhầm lẫn.

Phê phán

Không phải người Ấn Độ không chấp nhận bị phê phán mà họ chỉ không bao giờ phê phán trực diện thôi. Ai không hài lòng thì tốt hơn là nên hỏi đối tác xem có cách nào khác không. Từ chối hay bác bỏ thẳng thừng cũng bị coi là thiếu lịch sự - tương xứng gần bằng một cái bạt tai.

Ngôn ngữ


Ngôn ngữ giao dịch là tiếng Anh. Nhưng ai biết được vài câu tiếng Hindi cũng sẽ gây được ấn tượng tốt ở miền Bắc, còn ở miền Nam nói tiếng Hindi sẽ phản tác dụng.

Quần áo

Đối tác người Ấn Độ của bạn nhiều khi xuất hiện với áo cộc tay và không thắt cravat. Nhưng người Ấn Độ lại mong chờ đối tác của họ ăn vận lịch sự. Chỉ có mùa hè là không vận comple. Nhưng bạn nên mang áo comple theo vì trong phòng làm việc của người  Ấn Độ thường để nhiệt độ điều hòa rất thấp, khoảng 18 độ C để thể hiện đẳng cấp. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị cảm lạnh giữa mùa hè.

Trao các danh thiếp
Danh thiếp được trao trực tiếp khi chào hỏi, làm quen. Ban phải dùng tay phải để trao danh thiếp của bạn và nhận danh thiếp từ tay người Ấn Độ. Tay trái bị coi là “không sạch sẽ”. Chức danh trên danh thiếp rất quan trọng. Nếu trên đó không ghi ít nhất là “Phó Chủ tịch” hay “Giám đốc” thì thường không được coi trọng vì doanh nghiệp Ấn Độ được tổ chức theo trật tự quyền lực nghiêm ngặt, chức danh thấp hoàn toàn không có quyền quyết định.

Thời gian

Người Ấn Độ không phải không đúng giờ, nhưng chuyện đến muộn một tiếng đồng hồ là có thể xảy ra, đặc biệt khi biết đối tác muốn cái gì đấy ở họ. Dù vậy, bạn nên chỗ đến hẹn đúng giờ vì không đúng giờ vẫn bị coi là không lịch sự.