Trang

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Kinh nghiệm du học Ấn Độ theo chương trình học bổng ITEC

Chương trình Hợp tác kinh tế kỹ thuật của Ấn Độ (ITEC) được thực hiện từ năm 1964, là một chương trình chia sẻ với các nước đang phát triển những thành quả của Ấn Độ về phát triển kinh tế, xã hội và công nghệ. Các chương trình đào tạo được thực hiện tại 42 học viện, trường đại học danh tiếng trên khắp ẤN Độ. Hằng năm Việt Nam được cấp khoảng 75 suất học bổng theo chương trình này. Từ năm 1996 đến nay đã có gần 400 học viên Việt Nam theo học. Các lĩnh vực trong chương trình ITEC gồm: Công nghệ thông tin, Tiếng Anh, Quản lý, Báo chí, Ngân hàng, Viễn thám, Phát triển nông thôn, Đào tạo giáo viên, Quản lý lao động, Nghiên cứu dược và sư phạm dược, Thiết kế công cụ, Quản lý gia cầm, Kiểm soát chất lỏng, Nghiên cứu thống kê, Công nghiệp nhỏ, Quản lý vật liệu, Nghiên cứu dệt may, Phát triển nguồn nước…
Là một trong số các học viên của chương trình này, tham gia khóa đào tạo 8 tuần tại Niesbud, Noida, mình rút ra một số kinh nghiệm du học tại Ấn Độ theo chương trình ITEC như sau:
- Ngoài việc được trợ cấp tiền vé máy bay, tiền học, tiền ở, học viên còn được nhận Trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Kể từ tháng 10/2010 thì tiền trợ cấp này được tăng từ 10.000 Rupee lên thành 25.000 Rs (tiền ăn nằm trong số này). Tùy từng trường mà số tiền ăn bị trừ hang tháng sẽ khác nhau. Tại Niesbud và EDI (Ahmedabad) thì họ tính tiền ăn 150rs/ngày, tính từ thứ 2 đến hết thứ 6; thứ 7 và CN chỉ có ăn sáng và ăn tối – bữa trưa bạn tự lo. Tuy nhiên, ở IAMR (Institute of Applied Manpower Research) thì charge 6.000 rs/tháng. IIMC (Indian Institute of Mass Communication) thì lại chỉ tính 4.000rs/tháng và học viên có thể chọn ăn tại nhà ăn hoặc nhận lại hết 25.000 rs/tháng để tự lo ăn uống.
- Trợ cấp sách vở: 1.000 rs/người/khóa. Bạn được phép mua sách ở bất kỳ hiệu sách nào bên ngoài và mang hóa đơn về thanh toán tại trường. Tuy nhiên các sách được thanh toán phải là sách phục vụ cho khóa học (Thế nên đừng mơ có thể mua Kama Sutra bằng trợ cấp của ITEC nhé?!!!)
- Khi đến và khi về sẽ có người của trường đưa đón tận sân bay.
- Trong chương trình học sẽ có tour study, thường là 2 tuần (đối với các khóa 6&8 tuần, không rõ với các khóa 4 tuần). Học viên sẽ được dẫn đi thăm các cơ quan, học viện, công ty, tổ chức ở một số thành phố của Ấn Độ và tất nhiên là được tham quan một số thắng cảnh nổi tiếng luôn (VD: Taj Mahal, Jaipur – Pink city, Đền Vàng, India Gate…). Học viên sẽ được bao tiền xe cộ và tiền khách sạn, tiền vé tham quan; ngoài ra bạn phải tự lo ăn uống.
Khóa HDR-EE của mình được đi 4 thành phố gồm: Agra, Jaipur, Chandigarh, Ahmedabad.
- 2 ngày cuối tuần học viên được tự do ra ngoài nhưng nếu đi qua đêm thì phải xin phép của trường.
- Buổi khai giảng bao giờ cũng là giới thiệu về khóa học, về trường, về các giảng viên chính của khóa học. Tiếp đó sẽ có khoảng 2-3 ngày để các học viên làm country prensentation. Bài Presentation này thường gồm 3 phần: 1. Country profile. 2. Organization. 3. About yourself and your expectation.
Hầu hết mọi người đều dùng slideshow nhưng cũng có nhiều bạn từ một số quốc gia Châu Phi vốn ít sử dụng máy tính thì các bạn chỉ nói thôi.
- Số lượng học viên đến từ vùng Châu Phi và Châu Á là chủ yếu. Vùng Châu Á thì tập trung nhiều nhất là từ Afganistan, Kirzigistan, Uzebekistan, Sri Lanka, Nepal. Hầu như khóa, học viện nào cũng có các bạn từ Afganistan. Khi nói chuyện với các bạn này thì nên tránh đề cập đến terrorism (mình đã từng nói đùa với 3 bạn Afgan cùng lớp về terrorism và bị các bạn giận, sau đó phải xin lỗi mãi).
- ½ Dân số Ấn Độ ăn chay cộng với việc Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo khác nhau nên họ kiêng thịt bò và thịt lợn. Như ở Niesbud thì chỉ có duy nhất thịt gà hoặc trứng trong 95% số bữa ăn, còn lại thỉnh thoảng lắm mới được ăn cá rán. Thịt gà thì toàn loại gà công nghiệp without leg! Nhìn họ chở cả xe thồ baby chicken bán ngoài chợ thì nhiều bạn của mình (và cả mình) tự động nhịn luôn! Nhập cuộc với ½ dân số Ấn Độ vậy!
- Mùa mưa thì muỗi nhiều kinh khủng. Không biết các vùng khác thế nào chứ Delhi có hang trăm ca sốt rét do muỗi, báo chí suốt ngày đưa tin về dịch muỗi Dengue.
- Rất nhiều học viên gặp vấn đề về đường ruột nếu ăn street food, thậm chí ngay cả ăn trong nhà ăn của trường.

Vì thế mà trước khi sang Ấn, mình recommend các bạn nên chuẩn bị một số thứ sau:
- Cờ - Nên mang loại có chân đế để có thể đặt trên bàn học trong suốt khóa.
- Chuẩn bị presentation từ nhà cho thật tốt.
- Mang theo national costumes – ít nhất 1 bộ - để mặc hôm làm presentation và hôm phát chứng chỉ tốt nghiệp.
- Nên mang theo đồ ăn khô như ruốc, xúc xích đề tránh bị suy dinh dưỡng.
- Mang theo kem bôi chống muỗi hoặc màn.
- Nếu như ở Niesbud thì phải tự mua cọ, hóa chất con vịt để tự cọ WC.
- Mang USB 3G để có thể sử dụng internet chủ động. Vụ internet và di động bên Ấn quản lý rất chặt chẽ nên photo sẵn passport và ảnh thẻ để có thể đăng ký sử dụng được ngay sau khi sang. Mang cả Headphone có micro để tiện sử dụng skype để gọi điện về nhà.
- Nên sử dụng thẻ Visa thay vì sử dụng tiền mặt vì việc thanh toán bằng thẻ rất tiện và được tính tỉ giá tốt hơn là đổi USD ra tiền mặt. Đổi tiền ở sân bay sẽ bị charge phí dịch vụ rất cao. Nếu đổi ngoài chợ thì có thể có tỉ giá cao hơn ở sân bay nhưng cũng thấp hơn tỉ giá niêm yết của ngân hàng rất nhiều.
- Nên mang ít quần áo vì Ấn Độ nói chung và Dehli nói riêng là thiên đường mua sắm, giá cả thậm chí rẻ hơn ở Hà Nội rất nhiều. Gặp mùa sale off thì cứ hàng hiệu mà mua cho sướng vì hàng hiệu ở Ấn Độ rất nhiều và thực sự là hiệu chứ không nhập nhèm như ở VN.
- Giữ passport và tiền kỹ càng, tránh để bị mất cắp.
- Mang theo một số quà đặc sản của VN (như ô mai) để liên hoan với các bạn trong lớp. Mang theo một số đồ lưu niệm nhỏ để tặng các bạn. Quà cho trường thì tùy, có thể có hoặc không. Khóa của mình cũng không có ai tặng quà cho trường hết. Nhưng các AC học ở EDI thì thấy chuẩn bị quà rất kỹ càng. Nếu tặng quà thì có thể dùng mấy thứ như: tranh thêu, sách ảnh về VN hoặc HCM.
- Nên mang namecard vì sẽ có rất nhiều dịp cần dùng đến namecard.
- Mang theo một số loại thuốc thông dụng như thuốc cảm, kháng sinh, berberin, cao dán.
Hi vọng những kinh nghiệm của mình có thể giúp được các bạn đang chuẩn bị lên đường.

13 nhận xét:

  1. - Đổi ở chỗ tốt thì vẫn được tỉ giá cao hơn Ngân hàng đấy, quan trọng phải biết tỉ giá :D (tham khảo ở Thomas Cook)

    - Tốt nhất là đừng đăng ký ở IAMR vì chất lượng học dở thậm tệ và tham nhũng lắm :D

    Trả lờiXóa
  2. Chị ơi! làm thế nào để apply được học bổng này ah?

    Trả lờiXóa
  3. @Duyên: Em vào web của ĐSQ Ấn tại VN tìm ở mục Học bổng nhé? Theo chị biết thì hiện tại ĐSQ Ấn đang gửi các chỉ tiêu về 2 cơ quan của VN: 1 là cục Đào tạo nước ngoài - bộ GD ĐT (Có web đấy); 2 là TT hỗ trợ DN Vừa và nhỏ - Bộ KH ĐT ( 175 Nguyễn Thái Học, HN). Có điều là ở cái số 2 thì ko public như ở Bộ GD ĐT. Và về mỗi đầu mối này thì họ lại tự thêm các tiêu chuẩn mà các cơ quan này tự nghĩ ra đối với những người muốn apply mà không phải do ITEC yêu cầu. Thế nên hạn chế rất nhiều đối với những người muốn đi học. Theo mình biết thì còn rất nhiều course không có đủ candidates đâu. Chúc bạn may mắn! Nếu cần hỏi thêm thì cứ email hoặc alo cho mình nhé?

    Trả lờiXóa
  4. Chị ơi, em muốn xin trích ý kiến của chị để đăng báo thì có được ko, cho em cách để liên lạc với chị một cách nhanh nhất nhé. YM của em là haanhgd ạ.

    Trả lờiXóa
  5. Chị Hạnh ơi, chị chia sẻ giúp em thêm một số kinh nghiệm quan trọng để lấy được học bổng này với ạ. Ban nảy đang nói chuyện với chị qua YM thì cq em bị cúp điện, lúc vào thì ko thấy chị đâu nữa. Nhờ chị nhắn giúp em vào nick giúp em nhé: haanhgd. Cảm ơn chị nhiều :)

    Trả lờiXóa
  6. Chào chị Thúy Hạnh !
    Em đang định apply học bổng này (làm nhà nước, ngành bảo tồn chị ạ) trước đây có tập huấn ở Cambodia (1 năm- 1 tuần mỗi tháng 2009-2010) và năm ngoái là Tập huấn ở Jica - Osaka.

    EM đã đọc hết bài của chị về chuyến tập huấn ở Ấn Độ, điều kiện tham gia của em đối với chương trình ITEC khá đầy đủ, tìm mãi vẫn không có khóa nào về trùng tu di tích nên phân vân không biết chọn khóa tiếng anh hay quản lý dự án đây.
    Không rõ là chị có recommend nào về chương trình ITEC này cho hậu bối bọn em không ? Em đọc xong loạt bài của chị thì hơi hoang mang (về điều kiện ăn ở, đi lại và đặc biệt là vấn đề vệ sinh cuộc sống) và kết quả thu được khi phải bỏ thời gian và công việc từ 2-3 tháng để tham gia một trong các khoa này

    Rất mong nhận được lời khuyên từ chị
    Vương Phúc Tử Tước - Nam -1978
    tutuoc@yahoo.com

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn,

      1. Về các đk sống ở Ấn Độ: Theo mình là không có quá nhiều khác biệt so với VN đâu, thế nên chắc là bạn sẽ hòa nhập được thôi (với lại bạn chọn các course ngắn hạn thì có gì mà sợ ko adapt được?). Đó cũng là 1 trải nghiệm thú vị nếu bạn chưa từng sống ở môi trường nào khác ngoài VN.
      2. Về các khóa học: Mình ko theo dõi ds các course hàng năm nên cũng ko biết đầy đủ về khóa học nào phù hợp với bạn. Hãy quan niệm đi một đàng học 1 sàng khôn, bạn ko "ngấm" được cái này thì sẽ "ngấm" được cái khác. Thế nên việc qtrongj là bạn có muốn/thích/có nhu cầu tham gia các course ngắn hạn không đã? Rồi các kết quả (mình nhấn mạnh là CÁC kq) thu được sẽ đến với bạn - không chỉ là các bài học được truyền tải trong trường, mà bạn còn học hỏi được thêm từ các hoc viên đến từ nhiều quốc gia/ châu lục khác - với mình thì điều này thú vị hơn nhiều! Còn việc phải gián đoạn cviec 2-3 tháng thì có bạn tự đánh giá vì mỗi người, mỗi vị trí, công việc khác sẽ thấy khác.
      Chúc bạn sáng suốt!

      Xóa
  7. Cám ơn chị về những lời khuyên bổ ích !

    Trả lờiXóa
  8. Chào chị,

    Đọc những thông tin chị chia sẻ thấy rất bổ ích cho người sắp xin học bổng ITEC đấy ạ. Em đang băn khoăn không biết nên chọn thời gian nào thì phù hợp. Em định chọn khóa học tiếng Anh ở Trường Đại học Ngoại ngữ, có 2 khóa vào 2 thời điểm khác nhau (khóa 1 từ tháng 9 - 12/2013 còn khóa 2 từ 01 - 3/2014) chị có thể tư vấn giúp e được không ạ? Cảm ơn chị nhiều nhiều ạ!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về thời gian thì mình ko dám khuyên bạn gì đâu, tùy thuộc vào sự sắp xếp công việc của bạn cho thích hợp. Vả lại mình ko biết trường NN bạn đinh apply ở vùng nào? Khí hậu mỗi vùng là khác nhau, trong khi mình chỉ ở Delhi có 2 tháng nên cũng ko rành hết khí hậu của vùng khác. Bạn lăn tăn về khí hậu các mùa khác nhau thì thử vào ttvnol, mục Ân Độ hỏi các ACE có nhiều thời gian ở AD xem nhé? Hoặc vào fb có group Sinh viên Ấn Độ or Vietnam Bangsgroup để hỏi nhé.

      Xóa
    2. Mình cũng được cơ quan cho đi học chương trình học bổng này, nhưng tiếng Anh của mình cũng chỉ trình độ B, mà đã lâu không sử dụng, mình cũng đang băn khoăn không biết có nên làm hồ sơ hay không, xin bạn tư vấn giúp mình một ít về vấn đề tiếng anh khi đi phỏng vấn ở đại sứ quán, trong quá trình học và xin học bổng này có khó không. Cảm ơn bạn nhiều.

      Xóa
  9. Em chào chị Hạnh,
    Em đang làm thủ tục apply khóa học ITEC ở trường NIESBUD ạ. Mấy ngày qua em có đọc được rất nhiều bài viết của chị về Ấn Độ, thực sự là rất bổ ích. Nhưng có 1 số thông tin em muốn hỏi thêm về thời gian chị ở NIESBUD ạ. HY vọng nhận được phản hồi từ chị ạ. Em cảm ơn chị nhiều lắm ạ.

    Trả lờiXóa