(Paste lại từ fb, cái này viết lúc ở Delhi được 3 tuần)
Thế là vừa tròn 3 tuần ở New Delhi, cũng là 3 tuần xa Hà Nội thân thương. 3 tuần đủ để lượn quanh một số địa danh tham quan nổi tiếng như Lotus Temple, khu tưởng niệm Gandhi, Monument, India Gate, đền Askhadamn và một số shopping mall, một số khu chợ nổi tiếng của Delhi. Delhi dễ gần, dễ thương và dễ “nghiện” bởi những đặc điểm không lẫn vào đâu của mình.
Này nhé, vào các chợ hoặc các khu mua sắm, hoặc bất cứ các địa điểm công cộng nào, bạn phải qua security check bao gồm: Luggage scan, security gate, body scan (luôn có ít nhất 1 nam và 1 nữ). Bạn đã sẵn sàng chưa?
½ dân số Ấn Độ ăn chay cộng thêm rất nhiều tôn giáo (tổng cộng có đến hơn 2 triệu vị thần) nên họ kiêng rất nhiều loại thịt. Chợ thì thấy bán chủ yếu là thịt gà công nghiệp (loại chỉ hơn 1kg) và cá. Siêu thị Big Bazaar – một chuỗi siêu thị giá rẻ nổi tiếng tại đây – cũng không hề bán thịt cá, chỉ có đồ khô và đồ rau củ quả là nhiều. Người Ấn làm gà rất đơn giản, chỉ lột da, bỏ chân, bỏ đầu rồi chặt miếng là xong. Mua cái gì ngoài chợ cũng phải mặc cả y như chợ Hà Nội. Chợ dành cho khu dân nghèo thì giá rẻ hơn so với Hà Nội, và nhem nhuốc hơn rất nhiều các chợ đuổi, chợ chạy ở Hà Nội. Ngô nướng bán ngoài chợ được bôi một lượt muối, ăn mặn mặn, giá chỉ tầm 1,5K/bắp. Khoai tây chỉ tầm 7K/kg – rẻ bằng ½ giá khoai tây ở HN. Rau chủ yếu là các loại quả, củ như ớt, đậu bắp, carot, cà chua, cà pháo, hành, bí đỏ, bí đao, không thấy loại rau lá nào. Cà tím ở đây to như quả bưởi 5 roi! Hoa quả ở Delhi mùa này chủ yếu là táo, lê, chuối, ổi, đu đủ, cam – nói chung không phong phú như ở Hà Nội.
Đối lập với các chợ họp vào chập tối ở các khu dân nghèo, các shopping mall dành cho người giàu thì cực kỳ xa hoa, hào nhoáng và hoành tráng. Khu shopping mall nào cũng to rộng vật vã chứ không chỉ gọn gọn, xinh xinh như Tràng Tiền Plaza, Parkson hay Vincom ở Hà Nội.
Đồ ăn buffet của Ấn Độ cũng rất ít thịt, chủ yếu là đồ chay và rất nhiều món nước, như cháo hoặc súp ở VN, rất nhiều màu sắc do sử dụng nhiều gia vị khác nhau – ăn buffet rất bất tiện. Sau bữa tiệc tại khách sạn 5 sao do Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức dành cho các du học sinh thuộc chương trình ITEC, mình thấy kiểu buffet của VN vẫn hợp lý hơn, nhiều đồ khô hoặc xiên để khách dễ chọn, dễ ăn, không lem nhem tay và quần áo nếu chẳng may rớt ra ngoài, cũng tiện ăn khi đứng hoặc đi lại.
Các loại nước quả đều có vị mặn, vì dân Ấn hay dùng nước hoa quả với muối chứ ko phải với đường hay sữa như dân Việt.
Phụ nữ ở đây hầu như chỉ đi dép xỏ ngón và mặc áo truyền thống trong khi các chàng trai mặc sơ mi lịch sự và rất đẹp. Thói quen đi dép xỏ ngón ở đây có lẽ tất cả các công ty nước ngoài đều phải làm quen và chấp nhận vì đó như 1 phần văn hóa bản địa rồi. Đang tưởng tượng là một cô nhân viên xinh đẹp làm việc trong 1 tòa nhà lộng lẫy ở HN hay HCM mà đi dép xỏ ngón thì trông sẽ lạc lõng và buồn cười đến thế nào!
Người bán hàng bất kể ngoài đường hay trong shop chủ yếu là nam giới, rất ít người bán hàng là phụ nữ. Phần lớn phụ nữ chỉ ở nhà chăm sóc nhà cửa, con cái.
Một buổi đến văn phòng Bộ Ngoại giao Ấn Độ phải qua cái cửa bé tẹo và một loạt cảnh sát đứng gác, tất nhiên là khách phải qua máy scan trước khi vào sảnh chờ. Ngồi chờ ở sảnh một lúc thấy xung quanh rất nhiều cảnh sát súng ngắn súng dài đi lại loanh quanh. Một lúc sau có 1 madam đưa vào cho nhóm 2 cái chìa khóa nhà vệ sinh ở ngay bên cạnh, nói là ai có nhu cầu đi vệ sinh thì dùng chìa khóa này mở cửa, dùng xong lại khóa vào! Hic, lại một điều khó hiểu nữa: làm gì mà trong văn phòng bộ Ngoại giao phải khóa hết cả cửa nhà vệ sinh lại, khách có muốn đi vệ sinh 1 cái thì lại phải mượn chìa khóa rồi mới đi được! Hic hic…một kinh nghiệm thú vị.
Có một điều khác biệt nhất với HN đó là trông tòa nhà nào cũng buồn tẻ và ảm đạm như bỏ hoang vậy, trong khi thực tế thì có rất nhiều người sống hoặc làm việc trong đó.
Ở đây cảm giác như người dân chả việc gì phải chen lấn từng cm đất như ở HN hay HCM gì hết, đường nào cũng thoải mái mở rộng khi cần vì ven đường có vỉa hè rất rộng trồng rất nhiều cây. Các tòa nhà ven đường thì nằm tận sâu bên trong, cách đường một khoảng vườn nữa. Có nhiều phố trong trung tâm New Delhi có 2 hàng cây ở vỉa hè như phố Phan Đình Phùng ở HN. Các loại cây ở đây rất giống ở Hà Nội, từ phượng, bằng lăng, hoàng lan, trúc đào, sữa, vạn tuế… Phố trong trung tâm Delhi có rất nhiều các vòng xoay, mỗi vòng xoay là một vườn hoa nhỏ được tỉa tót cẩn thận. Nói chung là chỗ nào cũng thấy cây cỏ, khỉ, chó, bò, sóc và chim. Các con vật đó có thể thoải mái sống lang thang ngoài phố mà chả ai đụng đến (trừ thỉnh thoảng bị chẹt xe).
Góc phố nào cũng có ít nhất 1 xe cảnh sát và vài ba chú cảnh sát đứng trực.
3 tuần nay mới nhìn thấy 1 cái taxi chạy rù rì ngoài phố, còn lại phương tiện công cộng chủ yếu là xe metro, cab, tuckshaw và xe đạp kéo. Các siêu thị, hay bất cứ cửa hàng tạp hóa nào cũng chỉ bán vài loại sữa chua, chỉ có vài loại sữa bột đóng hộp dành cho người bệnh và trẻ con. Sữa tươi được bán ở các hiệu tạp hóa ngoài phố, người Ấn uống sữa rất nhiều (sản lượng sữa của Ấn Độ đứng thứ 2 trên thế giới).
Delhi cấm thuốc là và rượu bia ở tất cả các nơi công cộng. Vì thế mà rất khó tìm thấy chỗ nào bán thuốc lá và rượu bia tại đây. Quán café cũng không dễ tìm như ở HN, café chỉ có trong các shopping mall và thường là loại khách hàng tự phục vụ - tức là trả tiền, lấy đồ uống và tự mang về bàn. Nhà hàng chỉ dọn cốc chén bẩn, không bưng bê đồ cho khách.
Internet ở đây cực kỳ chậm, mạng đứt liên tục. Mạng Lan thì tốc độ thường xuyên là 10 Mbps! Điện cứ thỉnh thoảng lại cắt. Đường phố cũng ngổn ngang sửa chữa, làm mới cho kịp Common Wealth Games (y như Hà Nội gấp rút sửa chữa đường xá, vỉa hè cho dịp Đại lễ vậy).
Điện thoại di động ở đây khá rẻ nhưng thủ tục đăng ký rất chặt chẽ. Người nước ngoài phải có ảnh + bản photo hộ chiếu, điền đầy đủ thông tin vào mấy tờ đơn mới được active số. Mỗi lần nạp tiền bị trừ 8% phí dịch vụ. Nếu không muốn bị trừ phí thì phải nạp gói full credit (350rs/lần).
Các khu tham quan hầu hết là miễn phí nhưng bạn đều phải đi chân trần vào bên trong (trừ India Gate), nhiều nơi không cho mang máy ảnh, máy quay phim. Địa điểm nào cũng có nơi gửi giày dép rất kín đáo nhưng hiệu quả - đó là một tầng hầm – chỉ có cái mái hơi nhô lên nên không hề phá vỡ cảnh quan của khu thắng cảnh. Phí gửi giày là 1rs/lần.
Đấy là một số điểm nổi bật của Delhi so với Hà Nội và HCM. Hi vọng sẽ có thêm các kinh nghiệm thú vị khác sau các chuyến tour study.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét