Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015
Bay bằng dù lượn - Thử đi!
Lần đầu tiên mình biết môn dù lượn (paragliding) là trong chuyến đi Pokhara (Nepal) năm 2013. Hôm đó đi ngắm bình minh ở Sarangkhot về rồi theo tour đi thăm một loạt các điểm tham quan ở Pokhara, trên đường đi lên World Peace Pagoda mình nhìn thấy cả đám dù lượn lờ ở trên núi (thuộc dãy Anapurma, dưới chân Everest). Tiếc là thời gian ở Pokhara ko đủ để mình tham gia nhưng tự hứa là sẽ thử nếu có cơ hội ở đâu đó! Và cơ hội là tự dưng nhìn thấy một bạn trên fb like hay share thông tin về CLB dù lượn Hà Nội (Hanoiparagliding), phi thẳng vào web nhìn thấy cái form đăng ký bay đôi với phi công là đăng ký luôn (nhẽ cách đây 4-5 tháng) rồi ngồi chờ!
Bẵng đi vài tháng mới thấy có 1 em bên CLB liên hệ lại hỏi chị có đi được vào thứ 7 hay CN này ko? Hôm đó thứ 7 thì bận gì đó, còn CN thì nhà có đám giỗ nên ko đi được. Thế là mất hút con mẹ hàng lươn, chả thấy em nhắn nhủ lại câu nào nữa! Tưởng xong rồi giấc mơ bay lượn. Đùng phát sau 2- 3 tháng kể từ khi em gái kia alo, đúng 20/10 mở other inbox thấy có tin nhắn hỏi bạn có thể đi bay vào tuần này ko? Mình OK. Sau mấy câu thì người ở CLB hỏi thế ngày mai bạn đi được ko? OK luôn! Vì ko thể chờ được lâu hơn! (lỡ lại bận việc gì đó).
10AM có mặt cùng với team phi công bay cùng tại Big C. Lên xe pick-up chở theo assessories cồng kềnh như này.
Mỗi người đem theo 1 cái balo to như thế kia là bộ dù để bay nha. Nặng chừng 15kg. Giá mỗi bộ đâu đó 2000 Euro.
Lên xe trực chỉ Đồi Bù thuộc tỉnh Hòa Bình (cách HN 75km), đường đẹp, chỉ có tầm 5-7km cuối cùng là đường leo núi khấp khểnh 9630. Lên đến bãi tập kết để nhảy tầm 12h trưa.
Bãi tập kết đây:
Các phi công mang đồ nghề ra “sân” (là cái bãi phẳng nhất cạnh sườn núi, chỗ lấy đà bay): trải dù sẵn, mang đồ bảo hộ (găng, mũ, áo khoác, giày loại cho địa hình đồi núi, kiểu giày bộ đội hoặc giày có đế bám dính nha).
Vừa soạn đồ vừa nhìn gió (nhờ cái khăn treo trên một cây cọc ngay cạnh bãi nhảy và cánh chim, kiểu kiểu như thấy con chim cắt nó ko vẫy cánh thì tức là có thermal, chim đập cánh chứng tỏ thiếu thermal…) . Sau một hồi thì gió có vẻ mạnh hơn, thuận lợi cho việc bay lên nên các phi công sẵn sàng đeo dù vào người.
Bay đơn dành cho phi công đã qua đào tạo.
Bay đôi là dành cho 1 phi công chuyên nghiệp và 1 khách amateur. Dùng loại dù riêng, có dây đỡ cả 2 người. Khách ngồi phía trước, phi công ngồi phía sau.
Chụp với phi công trước khi bay đây:
Phi công sẽ dặn dò trước các bước mà khách phải thực hiện cùng gồm: khoanh tay và chạy thẳng (xuống phía vực núi) là bước 1, khi đã lên trên không thì dùng 2 tay bám vào “ghế” để đẩy người ngồi sâu vào ghế, bước 3 là hạ cánh: hơi co về phía trước, chụm chân và đầu gối để dùng gót chân làm bàn thắng khi tiếp đất. Đó là 3 điều cần nhớ trước khi ‘bay”.
Khi được yêu cầu chạy thẳng về phía vực núi cũng hơi hoảng, phi công nói rằng chắc chỉ cần chạy 5 bước là dù đã nâng lên rồi nhưng vẫn hồi hộp. Lúc này lượng Adrenalin tăng đột biến, trước đó phi công đã “check” tinh thần của bạn trước bằng mấy câu hỏi khác.
(Mặc dù yoga giúp mình thăng bằng và giữ bình tĩnh rất tốt nhưng lúc này tim mình cũng đập loạn xạ!)
Anh Thắng check giúp mọi mối nối, chốt cài an toàn trước khi cất cánh:
Gió đã thuận lợi, “bay” thôi! Phi công sẽ hô bạn chạy và bạn cứ “phi” thẳng xuống vực thôi! Nhưng đúng là chỉ chạy 5 bước thì dù đã nhấc bạn bay lên khỏi mặt đất chứ ko phải “rơi” xuống vực như lúc đầu bạn sợ!
Quả cất cánh của mình đây: https://youtu.be/6ELfZkoxhUM
Đó là lý do môn này được xếp vào thể thao mạo hiểm, không dành cho người yếu tim, ko dành cho người sợ độ cao.
Giờ là lúc bạn bay lơ lửng trên không, gió và nhiệt bốc từ mặt đất lên sẽ giúp thổi căng cái dù và bạn bay! Việc lái hướng nào là do phi công lựa hướng gió và luồng nhiệt để điều chỉnh. Còn là khách thì bạn chỉ việc enjoy and have fun thôi! Bạn có thể dùng gậy tự sướng quay lại hành trình của mình hoặc đã được record bằng Gopro gắn trên mũ của phi công rồi!
(Link quá trình bay của mình đây:
https://youtu.be/eTQTg_jyw70
Hôm nay trên núi có gió nhưng hơi mù nên tầm nhìn từ trên dù không được xa lắm, nhưng đủ “phê” khi bạn lơ lửng 3-500m so với mặt đất, nhìn xuống thấy những cái nhà, những đàn bò bé xíu.
Lộ trình này là từ đỉnh Đồi Bù hạ cánh xuống cánh đồng cách đó khoảng 3km. Quá trình “lơ lửng” trên không từ 7-15 phút tùy điều kiện thời tiết. Hôm nay thời tiết chỉ cho phép bay được 7 phút.
Dù hạ thấp độ cao và hạ xuống giữa cánh đồng. Phi công sẽ nhắc khách hướng chân ra phía trước, hơi co chân lại, chụm đầu gối, gót chân tiếp đất đầu tiên, làm nhiệm vụ như cái phanh, hơi lệt xệt chút là dừng hẳn, tiếp đất an toàn. Chúc mừng 1 tour bay an toàn!
Phi công đang thu dù:
Mô tả bằng lời thì ko thể nào đủ được cảm giác “phê” suốt cả quá trình. Nên, muốn tự trải nghiệm thì hãy đăng ký bay đi!!! :D
Làm sao bay? Vào https://m.facebook.com/cungbayduluonhttps://m.facebook.com/cungbayduluo... hoặc Hanoiparagliding.com để đăng ký nhé! Nhớ check các điều kiện về tim mạch và độ “liều” trước khi đăng ký nhé!
Chi phí ra sao? dịch vụ bay đôi cùng phi công: 800k/lượt + chi phí đi lại vài trăm K nữa, đâu đó tầm 1M. Quá rẻ cho 1 trải nghiệm đặc biệt!
Thời gian: từ 10Am- 5PM là về đến Hà Nội.
Chỉ bay được vào ngày khô ráo thôi nha, môn này chống chỉ định với trời mưa hay ẩm (nghe đâu cái dù ngàn đô kia ko được phép dính nước! Và mỗi bộ dù chỉ dùng được cho 100 giờ bay là phải bỏ).
Hãy nhớ khi làm khách: Tin tưởng hoàn toàn vào phi công, làm theo đúng hướng dẫn và đủ can đảm lúc cất cánh. Relax khi trên không. Bình tĩnh tập trung lúc hạ cánh!
Hôm nay mình đi cùng 5 phi công toàn người “không trẻ” có lẽ vì môn này chỉ hợp với người đủ trầm tĩnh, cẩn thận và tất nhiên là “can afford for special hobby”!
Cảm ơn Hải Anh đã lead một chuyến bay an toàn!
Cảm ơn các phi công Trung, Thắng, Hùng, Dũng đã cùng chia sẻ một trải nghiệm đáng nhớ (và đặc biệt vì ko phải ai cũng có đủ can đảm chơi trò này!)
P/S1: Mấy cô hỏi chuẩn bị gì cho chuyến đi? Thì chỉ cần ăn vận gọn gàng quần dài, áo khoác gió có khóa chắc chắn, mang nước uống, đồ ăn vặt, đồ giải trí trong lúc chờ. That’s all!
Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015
Bò lên đỉnh Fanxipan - Chuyến đi đáng nhớ của gái già 35 tuổi
Chia sẻ kinh nghiệm leo Fanxipan nè.
- Trước khi quyết định đi, hãy trả lời: Bạn có thích leo lên đỉnh 3143m ko? Hãy xác định đủ thích thì sẽ tìm ra cách thực hiện.
(Đây là một trong những lý do của một bạn trong đoàn mình nè: “Mỗi khi gặp những khó khăn trong cs, cv, gia đình, tôi luôn muốn làm một chuyện gì đó điên rồ! Làm chuyện gì đó để khi nhìn lại ta thấy điều khủng khiếp đó ta cũng đã vượt qua được, thì những khó khăn trong cs có còn là gì đâu! Để ta thấy được sức chịu đựng, giới hạn của con người là vô hạn!!! Khi nhắc đến Fanxipang mọi người chỉ nghĩ đến hai điều 3143m và cục kim loại trên đỉnh! Nhưng ít người biết rằng con đường để lên đến đỉnh mới là một hành trình tuyệt vời không thể nói thành lời!
Đối với cá nhân tôi, đó là trải nghiệm mà cả cuộc đời này chưa chắc đã có lại lần hai!”
Đây nữa nè: “Some climb to the top to be remembered, some to enjoy the view, some to experience, and some to challenge themselves. Some climb with hands and feet, and some with heart and faith. All are winners!”
- Leo Fan có khó không? Khó và rất khó. Xác định ngay từ đầu thế để ko bỏ cuộc khi vừa đi qua Trạm Tôn và cũng đỡ tốn nước mắt dọc đường. Hãy chuẩn bị trước ít nhất 1 tháng, hãy tập đi bộ/leo cầu thang, đeo balo hàng ngày. Thử đi bộ từ trung tâm hà Nội sang đến Bát Tràng hoặc Ecopark rồi đi bộ về xem có chịu nổi ko? Mặc dù độ khó thì ko thể nào so sánh được nhưng ít nhất bạn cũng biết sức lực của mình. Mình gặp trên đường có cặp cô cậu trẻ trẻ, cô gái bắt cậu bạn trai dắt tay suốt dọc đường! Mịa, chắc đi về thằng cu nó “đá” bay cô kia mất! Đi một mình đã mệt bỏ mợ ra rồi còn phải dắt phải lôi phải kéo con bé ẽo ợt cả mấy chục km đường rừng, chịu sao nổi! Nếu ko luyện tập thì đừng dại, biết yếu thì đừng ra gió! Có nhiều người bỏ cuộc ngay sau vài trăm mét đầu tiên.
- Làm thế nào để leo lên? Có nhiều bạn trẻ tự tổ chức đi với nhau, còn mình bà già nên đi theo tour. Mua tour của công ty du lịch lo trọn gói hết mọi thủ tục bên ngoài, chỉ việc xách balo và đi thôi, ko phải lo ăn ngủ ntn.
- Tour leo Fan ntn? – Giá tại thời điểm tháng 3/2015 cho đoàn 13 người là 2,6M. Thời gian đi: 7PM tối thứ 6 leo lên xe oto, lên đến thị trấn Sapa lúc 1h30AM, vào nhà nghỉ ngủ một giấc (mỗi người 1 giường, chăn ấm đệm êm, nước nóng). 8AM sáng thứ 7 đi ăn sáng. 9AM xe ô tô chở cả đoàn+ 4 porter mang đồ ăn/đồ ngủ từ TT Sapa lên Trạm Tôn. Và bắt đầu đi từ Trạm Tôn lên đỉnh. Leo xuống đến Trạm Tôn là 6PM ngày chủ nhật, xe lại đón về Sapa ăn tối rồi 8h30PM lên oto về đến HN lúc 3AM ngày thứ 2.
- Vậy, bạn cần mang những gì? Tất cả đồ cá nhân và nước uống bạn phải tự đeo trên người suốt cả hành trình, vì thế hãy chuẩn bị thật gọn nhẹ. Must –have gồm: 1. Mũ – nên đội loại nhẹ, dùng loại có dây vòng xuống cổ càng tốt, tránh bị bay mất do gió trên núi rất mạnh or mũ lưỡi trai (hay phải cho tay lên giữ). 2. Giầy: Nên mua loại giầy bộ đội, đế cao su có gai bám (Ra Lê Duẩn mua 100k/đôi). 3. Găng tay hạt nhựa: 8k/đôi, mua ở 79A Nguyễn Chí Thanh (or địa chỉ khác), loại này bằng sợi thấm mồ hôi tốt, trong lòng tay có đính hạt nhựa bám dính – Mang ít nhất 2 đôi. Nếu ko có găng thì 1 là bạn sẽ bị xước hết da tay, 2 là bạn khó bám dính vào đá và rễ cây lúc leo. 4. Balo loại nhẹ, có dây buộc vào phía trước để đỡ bị rơi, văng, gây khó khăn trong khi leo. 5. Áo khoác: nên mặc áo nỉ or áo gió, có mũ càng tốt, lúc cần bịt tai chỉ việc kéo mũ lên che đầu. Tùy tình hình thời tiết mà mang áo dày or mỏng. Quần áo khác: hầu hết nên mặc trên người, mang theo chỉ 1 áo lót và 1 quần là tối đa, underwear nên mang loại dùng 1 lần, còn bra nên mặc loại áo thể thao, ko có gọng sắt (Leo Fan ko phải là đi Catwalk nên đừng có tham kẻo khóc giữa đường!). Nếu gặp dịp trời khô ráo thì mặc quần áo gì cũng được miễn là thoải mái và đủ ấm. Nếu đi vào trời mưa thì nên sắm loại quần áo chuyên dụng ko thấm nước, nhanh khô (search The North face là ra loại quần áo này). 6. Nước uống: Từ Trạm Tôn lên khu trại 2200m nên mang theo ít nhất 1 chai nước loại 500ml. Ở trại 2200m có bán một số loại nước, lên đó mua tiếp 1, 2 chai cho đoạn từ 2200 lên 2800m. Nếu mang được 2 chai thì nên mua 1 chai nước lọc và 1 chai Revive uống thay đổi. Giá là 25k/chai. 7. Gậy: Ko cần mua, đi dọc đường rất nhiều tre có thể lấy làm gậy. 8. Dao, bật lửa, đèn pin: Phân công nhau chứ ko nhất thiêt ai cũng phải mang. Nếu có đèn pin loại đeo trên trán thì tốt nhất, ko có thì dùng loại cầm tay, nhớ mang loại nhỏ, đừng mang loại to. 9. Kem chống muỗi: ko cần, chả thấy con muỗi nào. 10. Kem chống vắt: Ko thấy con vắt nào luôn -> ko cần. 11. Đồ ăn vặt: Kẹo gừng, omai, socola or kẹo bất kỳ: bạn tự mang trong balo để khi cần lấy ra ăn luôn. 12. 2 viên thuốc ngủ!
- Có mấy cung đường nhưng đoàn mình đi từ Trạm Tôn là cung ngắn nhất và nhiều người đi nhất.
- Lịch trình như này nè:
9h30AM ngày 1: Đi từ Trạm Tôn (độ cao 1900m) lên trạm 2200m,
12h đến nơi, dừng lại ăn trưa: Porter mang đồ ăn chuẩn bị từ sáng cho đoàn gồm xôi giò và chuối.
12h30 tiếp tục leo từ 2200m lên trạm 2800m. Đoạn này có những chỗ dốc đứng, bám đá, bám rễ cây leo lên, nếu đi sát nhau thì chân người phía trước sát đầu người phía sau, cứ lên núi, xuống sườn, rồi lại lên đỉnh 1 ngọn khác. Càng về sau càng nghỉ nhiều. Có những đoạn dốc, hẹp, cứ leo 10m (đếm khoảng 20-25 bước) lại nghỉ để thở 3 phút, rồi lại leo 20 bước, lại dừng, thở hồng hộc như bò.
Lúc này chỉ mong có cáp treo đi cho nhanh!!! Nhiều lúc tưởng như muốn thắt cả ngực vì không khí loãng hơn, mệt hơn, phải tự motivate mình và motivate lẫn nhau để cùng cố bò lên cho đến 2800 camp.
Tuy vậy, mình vẫn thuộc nhóm lên sớm thứ nhì, mới hơn 4h30Pm đã đến nơi. Ngả balo ra bãi cỏ nằm ngắm mây trôi cùng với đám các em công ty Pico. Cảm giác nằm giữa núi nhìn mây trắng bay trên mặt phê hơn cả xách cái túi LV mấy ngàn đô!!!
2800 Camp có 2 nhà nghỉ dành cho khách còn porter thì ngủ trong lều bạt.
Trong nhà chia thành các phòng, mỗi phòng có phản ngủ dành cho 10 người, có 1 giá để balo, có cửa khóa riêng. Nhà này mới xây nên còn khá mới, chắc chắn. Cuối nhà có 2 chậu rửa mặt và 4 phòng toilet.
6h30PM thì đội porter nấu xong bữa tối. Cả đoàn tập trung ăn như này:
Đồ ăn khá nhiều chất, nấu cũng khá ngon, nóng sốt. Mọi người ăn trong ánh đèn pin vì trạm này hiện vẫn chưa có điện lưới.
Ăn xong thì porter dọn mâm đi để cho mọi người nghỉ ngơi. Nên đi ngủ sớm để giữ sức sáng mai leo từ sớm.
Cậu Guide dặn mọi người 4AM sáng mai dậy.
Mỗi người được phát 1 túi ngủ lót bông, khá sạch sẽ và ấm. Dưới sàn có lót miếng cách nhiệt nên có lúc còn bị nóng.
Lúc này là lúc bạn cần có thuốc ngủ để ngủ nè. Ko có thuốc ngủ thì hầu như chả mấy người ngủ nổi, người nọ rúc rich, người kia sột soạt, chuông điện thoại phòng này kêu ré lên, chuông đt phòng khác ồm ộp, gió thổi phần phật như bão ngoài cửa… Mình đã thức nguyên đêm ko hề chợp mắt chút nào. Gió núi ban đêm thổi như bão, nằm trong nhà mà cứ nhớ đến cơn bão cấp 12 năm 1986 đổ vào Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng làm đổ bao nhiêu nhà cửa cây cối.
ở trạm 2800m, điện thoại Viettel và Vina vẫn chạy tốt, Mobi thì bị convert sang Vina, 3G thì phải trèo lên chỗ cao cao mới bắt được.
3Am các phòng đã lục đục, í ới dậy. 4AM lên đường để lên đỉnh 3143. Lúc này trời còn rất tối, nên phải dùng đèn pin vừa đi vừa soi đường. Mình đi trước với đoàn toàn thanh niên trẻ vì biết sẽ phải nghỉ dọc đường nhiều lần. Không ăn sáng. Mang theo nước, kẹo, socola. Mặc ấm, bịt chặt tai. Đi được một đoạn với nhóm đầu tiên thì thở không ra hơi, dừng lại chờ đoàn thứ 2. Ngồi một mình giữa rừng đen ngòm, không sợ gì chỉ mệt. Bị nôn ọe hết cả thức ăn bữa tối hôm trước. Ngồi thở tầm 5 phút thì đoàn thứ 2 đến. Nhập cuộc với đoàn thứ 2, đi được một hồi, mệt quá thì lại ngồi lại nghỉ chờ đoàn tiếp theo để đi cùng (vì mình ko có đèn). Nhóm thứ 3 có mấy thanh niên trẻ rất tận tình soi đường cho chị già nhất đám!
Lên đến độ cao 2900m thì lại tụt xuống đến 2800 rồi mới lại leo lên mãi lên mãi 3143. Đoạn này dốc đứng, nhiều chỗ khó đến phát khóc. Từ đáy 2800 đi ngược lên thì mình quá mệt, ko thể theo kịp các em trẻ. Lúc này trời bắt đầu sáng, ko cần đèn nữa nên bảo các em đi trước, để chị ngồi nghỉ chờ đoàn sau. Em giai đưa cho mình mấy cái kẹo gừng rồi đi tiếp. Ngồi một mình ở đoạn này phải 20 phút, chộp được cảnh mặt trời lên đỏ như trứng gà! Sương bảng lảng. Gió thì vẫn rít gầm gào ở các khe núi.
Mệt, nhìn những đoạn dốc đứng trước mặt ntn, phải tự nói với mình hàng nghìn lần: Cố lên, phải “bò” lên đến đỉnh! Hàng nghìn lần phải lẩm bẩm một mình Cố lên, cố lên. Gặp bất cứ bạn nào leo cùng cũng phải động viên nhau: Sắp đến đích rồi, cố lên!
Đi và đi, tiến lên và tiến lên, trèo từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Bám rễ cây, bám vách đá, có những đoạn nhìn phát sợ.
Bò mãi, nghỉ mãi, thở như bò rống, có những đoạn thắt cả ngực vì hết hơi.
Vẫn chưa thấy đich đâu.
Đã gặp đoàn lên đầu tiên quay trở về. Toàn thanh niên trẻ. Chúng nó bảo chị ơi, sắp lên đến nơi rồi, còn 30 phút nữa thôi.
Ngồi thở, tự hứa là sẽ cố nghỉ 5 lần nữa thôi.
Nhưng đoạn cuối cùng lép nhép đất đen, dẻo quẹo, bậc dốc cao, 2 bên là rừng tre trúc và cỏ, thì phải bò bằng 4 chi để nhích từng bậc một, đi 5 bậc nghỉ 1 lần, thở như lợn.
Gặp cô bạn người Đức đã quay xuống, nhìn nó sạch sẽ, bước phăm phăm mà gatô lên tận cổ. Nó bảo Hannah, cố lên, sắp đến đích rồi, trên đó gió lạnh lắm! Uhm, thanks, tao đang cố hết sức đây.
Tạm biệt Frida, lại bò 4 chi lên tiếp được 2 bậc, lại nghỉ, ngồi thở, quần áo bê bết bùn đất.
Gặp thêm nhiều người đi ngược về, đứa nào cũng bảo 5 phút nữa thôi chị ơi, chị cố lên. Uh, phải cố thôi, đâu có đường lui nữa mà không cố lên! Nhưng éo mẹ, 5 phút của chúng nó hóa ra cả tiếng đồng hồ của mình. Lúc này cảm nhận rõ nhất sức lực của mình, sức của 35 tuổi, không thể so sánh với tuổi 20 của các em ấy! Lại bò lên từng bước ở đoạn cuối cùng, toàn đất đen ướt nhão. Bò mãi, vừa bò vừa nghỉ!
Và cuối cùng, thì cũng bò được lên cái đỉnh Inox hình tháp!
Bò lên đến nơi, gió thổi bạt cả người, suyt bay mất mũ, gió táp vào mặt, lạnh, nhưng sung sướng! Bỏ balo móc điện thoại ra nhờ các em ấy chụp cho kiểu ảnh. Ngồi men men thôi, ko dám ngồi vắt vẻo ôm cái cột Inox giống các bạn! Thấy như trẻ ra 20 tuổi, Adrenalin tăng đột biến! Yep, cảm xúc trọn vẹn, thỏa mãn, vì cuối cùng mình cũng đến đích. Sẽ kể lại cho 2 bạn trẻ ở nhà nghe, để chúng ít nhất cũng noi gương mẹ để làm những việc mà mẹ suốt ngày ra rả nhét vào đầu chúng nó! Inspiration quan trọng hơn nhiều thứ vật chất!
Mười phút sau thì đoàn của mình lên đến nơi (mặc dù mọi người ăn sáng xong 5AM mới xuất phát). Cả đội chụp ảnh + bật Sâm panh ăn mừng, chuyền tay nhau tu hết chai rượu. (Guide mang rượu lên trước chờ sẵn). Hò hét, vỡ òa với nhau ntn.
Ở trên đỉnh khoảng 20 phút thi xuống trại 2800m. Guide hẹn 12Am ăn trưa tại trại.
Đi xuống nhanh và dễ hơn lúc lên. Nếu lúc lên cứ 5 phút nghỉ một lần thì khi xuống có thể đi hàng tiếng ko cần nghỉ.
Nhưng những đoạn dốc đứng thì lúc xuống nhìn ghê hơn lúc trèo lên. Hãy quay lưng ra phía ngoài, bám 2 tay vào thang hoặc rễ cây để xuống, ko nên hướng mặt ra phía ngoài dễ bổ nhào, ko an toàn.
Đoạn gần lên đến điểm 2900m dốc đứng, ko có rễ cây to nhưng những chỗ khác để bám. Trèo mãi cũng lên đến đỉnh 2900m, vẫn éo hiểu nổi tại sao mình có thể đi được! Có lẽ gặp những đoạn đường như thế, bản năng “thạch sung” trỗi dậy + sự trợ giúp của giầy đế gai cao su, găng tay bám dính nên ko đứa nào bị rơi xuống vực!
Đoạn từ 2900m xuống 2800m đi qua rừng tre khô khốc, chỏng chơ mà giờ mới có thời gian nhìn ngắm chứ lúc đi lên vào ban đêm, mắt dính xuống mặt đường nên ko biết xung quanh có những gì!
Xuống trại 2800m, Porter mang cho ấm nước nóng và hộp café sữa. Mệt. Mỗi người uống 1 cốc café nóng để làm ấm người và tiếp thêm sức. Chờ đủ người trong đoàn xuóng đến nơi thì porter mang đồ ăn trưa lên. Bữa này có cả dưa hấu tráng miệng. Tô canh to như cái chậu! Ăn được 1 thìa cơm + bát canh + miếng dưa hấu là xong bữa trưa. Các nhóm khác trẻ hơn, khỏe hơn đã nhổ trại đi về. Cả căn nhà lớn buổi tối hôm trước ồn ào như chợ vỡ còn mỗi đoàn mình. Guide giục mọi người chuẩn bị nhanh để xuống kẻo muộn quá.
12h30 nai nịt gọn gang, giầy mũ chỉnh tề, chào tạm biệt trạm 2800m để quay về.
Đi mãi đi mãi mới thấy xuống đến trạm 2200m. Trời nắng nhưng gió rất to nên vẫn phải đội mũ, mặc áo khoác vì đi thì nóng nhưng chỉ dừng lại 1 phút là gió thổi cho lạnh sun.
Dừng tại trạm 2200m tầm 10 phút sau đó hò nhau đi xuống.
Gặp đoàn khách Hàn rất đông, toàn người tầm 40-50 tuổi, mỗi người đeo 1 balo to đùng, đầy đủ đồ dùng lẫn túi ngủ to, cái balo của các bạn ấy cao hơn cả đầu, nhìn mà muốn ngất!
Riêng khách VN thì thuê porter mang hết, chỉ đeo balo đồ thiết yếu cá nhân, có cô còn xách mỗi chai nước.
Từ 2200m xuống Trạm Tôn mới có thời gian nhìn ngó xung quanh, chứ lúc lên là chỉ mải miết nhìn xuống bước chân và thở nên chẳng biết cảnh vật xung quanh ntn. Ở tầm thấp mới có nhiều cây gỗ to, nhiều cây gỗ đổ gục ngang đường tạo thành cái cầu treo hoặc phải trèo qua, hoặc làm chỗ nghỉ chân.
Sóng đt Viettel 3,4 vạch, đủ để alo. Một số chỗ vẫn vào được 3G.
Mải miết đi và đi, động viên nhau cùng cố gắng vì ko muốn rớt lại trong rừng ban đêm. Hết con suối này đến ngọn đồi khác, lên đồi, xuống suối, hàng chục lần, cố gắng giảm thời gian nghỉ giữa đường sau mỗi đoạn leo lên để kịp ra khỏi rừng trước khi trời nhá nhem.
Rất may là gặp ngày nắng ráo nên trời ko quá nhanh tối.
6h15PM ra đến Trạm Tôn. Nhìn thấy cái mái nhà xanh đỏ của trạm Tôn mà chân muốn khuỵu xuống! Cố lết ra được đến chỗ hàng nước, thả cả balo ra rồi ngồi thở! Kiệt sức! Ko nói nên lời! Chỉ có thể ra hiệu cho cô bé bán hàng đưa cho chai nước. Ko mở nổi nút chai, cô bán hàng chắc quen quá nên mở chai nước đưa cho mình tu. Miệng khô khốc, chân cứng đơ, vai mỏi rời mặc dù khi đi xuống đã uống hết nước, ăn gần hết các thứ mang theo, chỉ còn vài thứ quần áo, dép lê và 2 cái điện thoại mà cảm giác như đeo cục đá tảng trên vai!
Và BQL vườn cấp cho bạn giấy chứng nhận và huy hiệu chinh phục đỉnh Fansipan như này:
Nhà tour gửi 1 xe 7 chỗ lên đón bớt người về Sapa. Nghĩ đến bồn nước tắm nóng liền lên xe đi về luôn. 5 chị em và 1 cô porter lên oto nhỏ về trước. Giữa đường cô gái lái xe gọi điện cho nhà hàng massage chuẩn bi nước tắm cho 5 chị em. Nhóm phía sau toàn người đau chân chắc còn lâu mới về nên 5 chị em kịp ngâm người trong bồn nước thuốc của người Dao. Được ngâm nước thuốc, tắm rửa sạch sẽ nên thoải mái hơn rất nhiều!
Tắm xong thì xe sau cũng về, mọi người được chở thẳng ra nhà hàng đã đặt chỗ trước, ăn tối rồi 8h30PM lên oto về Hà Nội.
3AM sáng thứ 2 về đến nhà.
Chỉ kịp thay đồ là chui vào giường ngủ tít mít cho đến tận 12h giờ trưa.
Bắp chân cứng đơ.
Vai mỏi nhừ. Nhưng người lâng lâng nhấm nháp cảm giác chiến thắng, chiến thắng bản thân, vượt qua khả năng của chính mình!
Và, ngồi tưởng tượng đến điểm đích tiếp theo – Kinabalu, maybe!
Phần lớn ảnh trong này là của bạn bè chụp, mình chỉ tập trung đi, leo, bò, ko có tay nào để mà cầm máy ảnh/đt chụp xung quanh đâu!
(Viết từ trải nghiệm của bà mẹ hai con 35 tuổi, đi vào tháng 3/2015)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)